Nghề y rất cần được sẻ chia và trân trọng

Thứ hai, 27/02/2017 09:54
(ĐCSVN) – Trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe người dân, có biết bao cống hiến thầm lặng của đội ngũ những người làm nghề y. Sự cống hiến, tận tâm và hy sinh vì lý tưởng nghề mà họ theo đuổi để hoàn thành sứ mệnh của mình rất cần được mọi người sẻ chia và trân trọng.

Nghề y cần được trân trọng và sẻ chia, thấu hiểu vì nghề y là một “nghề đặc biệt”, bởi nó đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng, tấm lòng nhân ái, từng trải và kinh nghiệm nghề nghiệp mà mọi công việc dù nhỏ đến đâu đều liên quan đến tính mạng con người và hạnh phúc của mỗi gia đình.

Bác sĩ vùng cao huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) khám bệnh cho bệnh nhi. (Ảnh: Kha Thoa)

Cách đây đúng 62 năm, ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết thư gửi Hội nghị cán bộ ngành Y tế với những lời dạy quý báu. Từ đó, ngày này được coi là ngày tôn vinh các y, bác sĩ, những người đang làm việc trong ngành Y tế - “Ngày Thầy thuốc Việt Nam”.

Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế ngày 27 tháng 2 năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu...”. Từ đó, ngày 27 tháng 2, hàng năm trở thành Ngày truyền thống của Ngành Y tế Việt Nam, là dịp để Ngành Y tế, đội ngũ thầy thuốc ghi nhớ và đánh giá việc thực hiện lời Bác dạy; để Đảng, Nhà nước, nhân dân ta biểu dương, tôn vinh những đóng góp của Ngành Y tế, của các thầy thuốc cho đất nước.

Thấm nhuần tư tưởng đó, 62 năm qua, lời căn dặn của Bác đã trở thành kim chỉ nam và động lực cho đội ngũ thầy thuốc Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn. Có được thành tích ấy là kết quả của sự nỗ lực, hy sinh âm thầm của hàng vạn thầy thuốc đang có mặt trên khắp mọi nẻo đường Tổ quốc, từ thành phố tới vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo vì sức khoẻ mỗi người và hạnh phúc mỗi gia đình, góp phần làm nên sức mạnh quốc gia.

Trước trách nhiệm cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đội ngũ thầy thuốc Việt Nam đã nỗ lực không ngừng, âm thầm cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.

Nhìn lại chặng đường phát triển 62 năm qua của ngành y tế, những người thầy thuốc luôn lấy lời Bác Hồ dạy "Lương y phải như từ mẫu" làm lẽ sống, làm phương châm hành động nhằm nâng cao y đức, rèn luyện y thuật, phát triển y nghiệp, đoàn kết, sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao cho. Những cống hiến của mỗi người thầy thuốc tuy lặng thầm nhưng hết sức to lớn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để chăm sóc sức khỏe, cứu sống người bệnh, giúp toàn ngành đạt nhiều thành tựu quan trọng trong y học dự phòng cũng như công tác khám bệnh, chữa bệnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.

Một trong những dấu ấn nổi bật của ngành y tế trong năm 2016 phải kể đến là: Lần đầu tiên tại Việt Nam, thực hiện phẫu thuật nội soi bằng Robot cho người lớn; Em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp mang thai hộ; triển khai đồng bộ các giải pháp hướng tới sự hài lòng của người bệnh; Việt Nam sản xuất thành công vắc xin phối hợp sởi – rubella; hay như trong năm 2016, đã có 81,3% dân số tham gia bảo hiểm y tế, vượt chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao (79%); Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Y tế tăng 9 bậc so với năm 2015 (xếp thứ 17/19 lên 8/19 bộ, ngành do Chính phủ công bố năm 2016)…

Và mới đây nhất, trong những ngày hội Tháng 2 của ngành, ca ghép phổi đầu tiên của Việt Nam đã thực hiện thành công ngày 21/2/2017 tại Bệnh viện 103; Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh lần đầu tiên tại Việt Nam đã thực hiện phẫu thuật cận thị không cần chạm vào mắt… Hay đó là hình ảnh thật xúc động khi gần 40 thầy thuốc của hai Bệnh viện Nhi đồng 2 và Từ Dũ cùng chung tay thần tốc cứu sống sản phụ và bệnh nhi sơ sinh...

Phát huy những kết quả đã đạt được, Ngành Y tế đang tiếp tục đổi mới toàn diện cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ; đổi mới công tác đào tạo, sử dụng cán bộ; công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân và cộng đồng...; đồng thời, Ngành cũng đang tiếp tục xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật y học tiên tiến, các kinh nghiệm quý báu của y học cổ truyền trong công tác phòng và khám chữa bệnh; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để sản xuất thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế trong nước. Đội ngũ cán bộ và nhân viên y tế không ngừng học tập, tu dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Lương y phải như từ mẫu”.

Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành y tế đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khả năng đáp ứng chưa theo kịp nhu cầu của người dân; có sự chênh lệch trong thụ hưởng dịch vụ y tế giữa người dân các vùng miền; năng lực sản xuất và cung ứng thuốc còn yếu, giá thuốc chữa bệnh còn cao so với thu nhập của nhân dân; một bộ phận nhân dân chưa hình thành được ý thức và thói quen tự bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe… Vì vậy, ngành Y tế cần tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, quan tâm củng cố mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao năng lực các trạm y tế xã, bệnh viện tuyến huyện, nâng cấp bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương, đồng thời đẩy mạnh việc xã hội hóa; khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh...

Nghề y là nghề cao quý, thầy thuốc là những người rất đáng được tôn vinh. Ðể hoàn thành sứ mệnh cao cả đó, đội ngũ cán bộ và nhân viên y tế cần phát huy hơn nữa truyền thống vẻ vang của ngành; nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nắm bắt những kiến thức mới, hiện đại của y học thế giới và tinh hoa của y học cổ truyền để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh.

Với mỗi người thầy thuốc, muốn tinh thông nghề nghiệp trước hết phải tự mình có ý thức học tập, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao y thuật, rèn luyện y đức suốt đời để mỗi ngày một giỏi hơn, hết lòng tận tụy, tận tâm với nghề. Ðạo đức ngành y là một phẩm chất cao đẹp của người làm công tác y tế, vì vậy đã là người thầy thuốc thì dù hoàn cảnh nào cũng cần phải ra sức rèn luyện, tu dưỡng về đạo đức, lối sống để trở thành một người thầy thuốc vừa có tài vừa có đức, xứng đáng với lòng tin của người dân cũng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Lương y phải như từ mẫu".

Có thể nói, tuy thầm lặng nhưng nghề y lại rất nhạy cảm với dư luận của xã hội. Bao đóng góp cải thiện sức khỏe người bệnh sẽ lu mờ đi khi chỉ với một sự cố đáng tiếc hoặc bất khả kháng. Tác phẩm hoàn hảo và phức tạp nhất của tạo hóa là con người mà trong đó phần quý nhất chính là sức khỏe, do vậy mất mát lớn nhất của tạo hóa là con người và mất mát lớn nhất của con người là sức khỏe. Đối tượng của nghề là con người đang bị bệnh cho nên ngành y dễ đối diện với những phản ứng nhạy cảm từ người bệnh và cộng đồng bất luận tính xác thực và khó có được sự thông cảm khi xảy ra những sự cố trong nghề. Chính vì thế để làm được cái nghề đặc biệt này, ngành Y rất cần tấm lòng trân trọng và sẻ chia của mọi người./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực