Nghiên cứu khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu phục vụ đời sống

Thứ sáu, 17/03/2017 17:21
(ĐCSVN) – Ngày 17/03, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Hội thảo khoa học thường niên về nghiên cứu Khí tượng, Thủy văn, Môi trường, Biến đổi khí hậu phục vụ đời sống và xây dựng chính sách.
PGS.TS, Viện trưởng Viện KHKTTVBĐKH Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hưng Nam


Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Viện
Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KHKTTV&BĐKH), phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Viện trưởng Viện KHKTTV&BĐKH Nguyễn Văn Thắng chia sẻ trong suốt 40 năm qua, Viện luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt nhiều thành tích quan trọng trong nghiên cứu cơ bản, phát triển công nghệ và đào tạo sau đại học, góp phần vào sự phát triển của ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) nói riêng, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.

Đến nay, Viện đã thực hiện thành công gần 400 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có trên 50 đề tài thuộc các Chương trình cấp Nhà nước. Các kết quả nghiên cứu có ý nghĩa khoa học, thực tiễn đã và đang được ứng dụng tại các đơn vị trong và ngoài Bộ TN&MT, góp phần nâng cao chất lượng dự báo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH...

Cùng với đó, Viện đã hoàn thành hơn 100 đề tài nghiên cứu các cấp và dự án thuộc chuyên môn, trong đó có 21 đề tài cấp nhà nước, 34 đề tài cấp Bộ… về các lĩnh vực khí tượng, khí hậu, khí hậu nông nghiệp; thủy văn, tài nguyên nước, thủy văn biển; môi trường, BĐKH…

Là cơ quan đi đầu trong các nghiên cứu về BĐKH, Viện cũng được giao thực hiện các nhiệm vụ quan trọng như chủ trì xây dựng: Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH; Khung chương trình khoa học công nghệ quốc gia về BĐKH; Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với BĐKH; tham gia xây dựng: Chiến lược quốc gia về BĐKH; Thông báo quốc gia của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH; Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); Kế hoạch của Việt Nam triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH; Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH giai đoạn 2016-2020…

Tại Hội thảo, đại diện các đơn vị đã trình bày kết quả các công trình nghiên cứu về: Nghiên cứu ứng dụng và khai thác sản phẩm dự báo toàn cầu của Nhật Bản phục vụ dự báo khí hậu cho Việt Nam; Phần mềm cảnh báo lũ quét cho Việt Nam (VNOFFG); Đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí xuyên biên giới đến miền Bắc Việt Nam; Phương pháp lượng giá tác động của giải pháp chôn lấp chất thải rắn đến sức khỏe người dân ở thành phố Hà Nội; Tính toán phát thải khí nhà kính từ hoạt động xử lý chất thải rắn đô thị; Biến đổi khí hậu - Nguyên nhân tiềm ẩn của khủng hoảng di cư...

Sau phiên khai mạc hội thảo, các nhà khoa học, nghiên cứu của Viện KHKTTV&BĐKH; Trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia HCM); Phân viện KHKTTV&BĐKH; Trường Đại học TN&MT; Tổng cục Địa chất và Khoáng sản; Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã trình bày tham luận về các đề tài nghiên cứu về các lĩnh vực với 4 chủ đề: Khí tượng - Khí hậu - Khí hậu Nông nghiệp; Thủy Văn - Tài nguyên nước - Khí tượng Thủy văn Biển; Môi trường; Biến đổi khí hậu - Viễn thám và Hệ thống thông tin địa lý. Đồng thời, các nhà khoa học đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ các nghiên cứu và thông tin trong các lĩnh vực KTTV và BĐKH../.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực