Người mắc bệnh trầm cảm có nguy cơ tự tử cao

Thứ sáu, 21/04/2017 13:43
(ĐCSVN) - Trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp và là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng tàn tật, làm cho hàng triệu người bị giảm hoặc mất sức lao động tại Việt Nam. Các nghiên cứu cho thấy, người trầm cảm có nguy cơ tự tử cao gấp 25 lần so với người khác và trên 50% số ca tự tử có rối loạn trầm cảm.

Khoảng 4% dân số Việt Nam bị mắc các chứng bệnh trầm cảm

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm trên thế giới có gần 800.000 người chết vì tự tử và đây là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở độ tuổi 15 – 29. Còn ở Việt Nam, ước tính mỗi năm có gần 5.000 người chết do tự tử.

Theo ước tính của WHO, năm 2015, Việt Nam có khoảng 3.564.000 người bị rối loạn trầm cảm, chiếm 4% dân số. Tất cả mọi người đều có thể mắc trầm cảm. Tuy nhiên, rối loạn này xảy ra ở nữ giới nhiều hơn so với nam giới. Có 3 nhóm tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn, đó là học sinh và thanh thiếu niên, phụ nữ trước sinh và sau sinh, người cao tuổi. 


Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân trầm cảm tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: Thế Anh

Trầm cảm luôn nằm trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở mọi nhóm tuổi, kể cả nhóm dưới 15 tuổi. 

Theo kết quả nghiên cứu năm 2008 ở Việt Nam, gánh nặng bệnh tật do trầm cảm đo bằng DALY (số năm sống điều chỉnh theo mức độ bệnh tật) chiếm tới 12% tổng gánh nặng bệnh tật ở nữ giới. Trầm cảm cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng tàn tật ở nữ giới - chiếm tới 29% tổng số năm sống với khuyết tật do mọi nguyên nhân và nguyên nhân thứ hai gây gánh nặng tàn tật ở nam giới - chiếm tới 11%.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, trầm cảm giống các bệnh thông thường khác, không phải bệnh nan y. Bệnh trầm cảm có thể điều trị khỏi và giảm nguy cơ tái phát. Điều trị bệnh chủ yếu bằng liệu pháp tâm lý và dùng thuốc. Bệnh có thể được điều trị tại cộng đồng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây mãn tính, bệnh nặng hơn dẫn đến suy kiệt, có ý nghĩ tự sát.

Trầm cảm gây ra bởi nhiều yếu tố xã hội, tâm lý và sinh học, thường xảy ra ở những người bị stress sau khi gặp phải vấn đề khó khăn trong cuộc sống như: Thất nghiệp, mất người thân, đổ vỡ quan hệ, mâu thuẫn gia đình, thất bại trong học tập, khủng hoảng tinh thần… hoặc sau khi mắc một số bệnh, đặc biệt là các bệnh nặng, bệnh mạn tính như: Ung thư, đái tháo đường, tim mạch, đột quỵ... 

Người bị trầm cảm có các dấu hiệu điển hình như: Hay buồn chán; mệt mỏi, ngại làm việc, giảm hoặc mất sự quan tâm, thích thú với những hoạt động thường thích làm, kèm theo không có khả năng thực hiện các công việc hàng ngày, thời gian kéo dài từ hai tuần trở lên; giảm hứng thú; rối loạn giấc ngủ; chán ăn, ăn không ngon; khó tập trung khi làm việc, đãng trí, hay quên; bi quan, giảm tự trọng, giảm lòng tin…Trong trường hợp xấu nhất, trầm cảm có thể dẫn đến tự tử. 

Trầm cảm có thể chữa khỏi hoàn toàn

Tại Việt Nam, hoạt động phòng, chống trầm cảm hiện nay mới bước đầu được triển khai tại một số địa phương. Do đó, hầu hết những người mắc trầm cảm trong cộng đồng vẫn chưa được phát hiện, chưa được quản lý điều trị và tư vấn, chăm sóc đầy đủ. Đa số người dân còn chưa  hiểu biết đúng về bệnh này dẫn đến kỳ thị, phân biệt đối xử với người rối loạn trầm cảm. 

Phòng, chống trầm cảm cần thiết là một nội dung ưu tiên của chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam, trong đó tập trung vào nhóm nguy cơ cao như phụ nữ, nhất là phụ nữ trước và sau sinh, người cao tuổi và thanh thiếu niên. 

TS. Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (VSKTT), Bệnh viện Bạch Mai cho hay: Trầm cảm là một rối loạn rất phổ biến trong dân số, nhưng chỉ có tỉ lệ thấp được phát hiện và điều trị theo đúng chuyên khoa. Tuy nhiên, rối loạn trầm cảm được chữa khỏi hoàn toàn. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ, người bệnh hoàn toàn có thể khỏi bệnh và tái hòa nhập với gia đình và với xã hội. 

Viện SKTT đang điều trị cho một nữ sinh 21 tuổi, đang học năm cuối một trường đại học được đưa vào Viện Sức khoẻ tâm thần sau hơn một tháng rơi vào trạng thái mất ngủ, chán ăn, sút cân, hay cáu gắt và giận dữ. Gia đình cho biết, cô vốn khỏe mạnh, vui vẻ hòa đồng nhưng bỗng "trở bệnh" sau khi chia tay người yêu cùng với  áp lực ở trường học. Từ đó, bệnh nhân thường xuyên thấy mệt mỏi, không muốn đi học và cũng không muốn làm việc gì, hay ngồi khóc và thấy cuộc sống không còn có ý nghĩa nên nhiều lần nói với mẹ là không muốn sống, để không phải đau khổ như hiện tại. Tại Viện Sức khoẻ tâm thần, các bác sĩ xác định cô bị trầm cảm nặng.

Một trường hợp khác là một bệnh nhân nam 79 tuổi được người nhà đưa vào Viện SKTT trong tình trạng suy kiệt nặng do bệnh nhân không chịu ăn uống và giao tiếp với mọi người xung quanh. Lúc này, các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị trầm cảm tái diễn, giai đoạn nặng có hành vi tự sát. Theo lời kể của người nhà, trước khi vào viện 3 tuần, bệnh nhân thường xuyên khóc và than phiền về sự sụt giảm thể lực, gầy sút 3kg trong 3 tuần. Đêm bệnh nhân ngủ ít, mệt mỏi nhiều, buồn chán, nói với người nhà về cái chết, khóc nhiều và xin lỗi người nhà vì đã làm khổ họ. 

Các bác sĩ khuyến cáo, mỗi cá nhân có thể phòng ngừa trầm cảm bằng cách thực hiện lối sống cân bằng như: Nghỉ ngơi và ngủ điều độ, chế độ ăn cân đối và tập luyện thể dục thể thao thường xuyên...

1. Trầm cảm không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Bất kỳ ai cũng có thể mắc trầm cảm. 
2. Để dự phòng trầm cảm: Bạn hãy trò chuyện với mọi người, bởi vì trò chuyện là một trong những biện pháp đơn giản nhất để phòng và điều trị trầm cảm. 
3. Nếu bạn nghĩ rằng mình bị trầm cảm: Hãy tích cực giao tiếp với mọi người, hãy chia sẻ với ai đó mà bạn tin cậy về cảm giác và suy nghĩ của mình. Bạn hãy tiếp tục làm việc, tích cực tập luyện thể dục thể thao, đồng thời tránh sử dụng đồ uống có cồn và các chất gây nghiện.
4. Khi cần trợ giúp chuyên môn: Hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được cán bộ y tế hướng dẫn, tư vấn về sức khỏe. 



Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực