Nhà khoa học đam mê nghiên cứu vật lý hạt nhân

Thứ hai, 18/05/2020 15:42
(ĐCSVN) – “Đối với tôi, nghiên cứu khoa học, đặc biệt khoa học cơ bản là một hành trình khám phá suốt đời để tìm ra những kiến thức mới cho nhân loại. Kiến thức đó có thể chưa mang lại những ứng dụng nhất thời hoặc cũng có thể không bao giờ được đem ra ứng dụng thực tế. Tuy nhiên, nó sẽ góp phần tạo tiền đề cho những nghiên cứu phát triển tiếp theo”.
leftcenterrightdel
PGS.TS Nguyễn Quang Hưng, Trường Đại học Duy Tân. (Ảnh: BL) 
Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Quang Hưng, Trường Đại học Duy Tân, một trong những tác giả có công trình nghiên cứu xuất sắc được đề cử Giải chính Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020.

Với công trình "Mô tả vi mô và đồng thời mật độ mức và hàm lực bức xạ của hạt nhân nguyên tử", PGS.TS Nguyễn Quang Hưng đã nghiên cứu thành công về mật độ mức và hàm lực bức xạ tia gamma - một trong những chủ đề nghiên cứu quan trọng trong ngành Vật lý nói chung và Vật lý hạt nhân nói riêng. Công trình được công bố trên tạp chí hạng nhất quốc tế (Physical Review Letters) về Vật lý. Đây cũng là công trình nghiên cứu thứ 2 của một nhóm tác giả người Việt Nam được công bố trên Tạp chí Physical Review Letters. Công trình đầu tiên thuộc về nhóm tác giả tại Viện Vật lý được công bố năm 2002. Ngay sau khi bài báo được công bố, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã gửi thư chúc mừng các tác giả của bài báo. Đây là nguồn động viên tinh thần rất lớn để các nhà khoa học tiếp tục theo đuổi những hướng nghiên cứu lớn hơn.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, việc công bố các công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý về nghiên cứu cơ bản trên các tạp chí quốc tế uy tín rất quan trọng. Trước kia, việc công bố bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế chưa được coi trọng bởi một số quan điểm cho rằng nghiên cứu cơ bản hay các bài báo quốc tế không giúp ích gì cho sự phát triển khoa học công nghệ và kinh tế của xã hội. Tuy nhiên, từ năm 2010 trở lại đây, với sự ra đời của Quỹ NAFOSTED (Bộ Khoa học và Công nghệ) cùng với sự hội nhập toàn diện của khoa học và giáo dục Việt Nam với thế giới, nghiên cứu cơ bản được quan tâm nhiều hơn như thước đo đánh giá tiềm năng tri thức của đất nước.

Việc nghiên cứu mật độ mức và hàm lực bức xạ tia gamma là hai đặc trưng cơ bản và rất quan trọng không chỉ đối với nghiên cứu về cấu trúc hạt nhân, phản ứng hạt nhân hay quá trình tổng hợp các nguyên tố trong vũ trụ mà còn đối với nhiều lĩnh vực nghiên cứu cũng như ứng dụng khác như: Thiết kế máy gia tốc chùm hạt nhân phóng xạ, y học hạt nhân hay quá trình xử lý các chất thải phóng xạ.

Chia sẻ về thành công của công trình, PGS.TS Nguyễn Quang Hưng cho biết: Nghiên cứu khoa học, đặc biệt khoa học cơ bản là một hành trình khám phá suốt đời để tìm ra những kiến thức mới cho nhân loại. Kiến thức đó có thể chưa mang lại những ứng dụng nhất thời hoặc cũng có thể không bao giờ được đem ra ứng dụng thực tế. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học cơ bản sẽ góp phần tạo cơ sở tiền đề cho những nghiên cứu phát triển tiếp theo.

"Để có thể theo đuổi và gắn bó với con đường nghiên cứu khoa học, điều quan trọng nhất vẫn là đam mê. Do vậy, công việc của các nhà nghiên cứu nói chung và cá nhân tôi nói riêng đòi hỏi phải thường xuyên tìm tòi, sáng tạo ra cái mới. Để làm được việc đó, chỉ có đam mê thực sự và tâm huyết với khoa học mới làm được”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng chia sẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Hưng, thực tế nghiên cứu Vật lý hạt nhân ở Việt Nam gặp khó khăn hơn so với các lĩnh vực khác. Các nhà khoa học Việt Nam phải thường xuyên hợp tác với đối tác nước ngoài như: Pháp, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và ra nước ngoài làm việc trên những máy gia tốc mà Việt Nam chưa có. Do đó, công trình nghiên cứu này đã đóng góp chung cho thành công của lĩnh vực Vật lý và nền khoa học Việt Nam.

May mắn khi được Viện Nghiên cứu Vật lý và Hóa học (RIKEN) Nhật Bản cấp học bổng toàn phần từ năm 2006 -2009 và theo học chương trình hợp tác vùng châu Á (Asian Program Associate) dành cho các nghiên cứu sinh tiến sĩ, PGS.TS Nguyễn Quang Hưng được học tập và làm nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của TS. Nguyễn Đình Đăng, một nhà khoa học tài hoa, xuất sắc trong cả vật lý lẫn hội họa, nghệ thuật tại RIKEN. Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy cùng sự đam mê và tâm huyết, sau 2 năm, anh đã công bố được 3 bài báo trên Tạp chí Physical Review C và viết xong bản thảo luận án Tiến sĩ để gửi về Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam làm thủ tục bảo vệ.

PGS. TS Nguyễn Quang Hưng cũng chia sẻ, anh thực sự may mắn khi trở về nước làm việc đúng thời điểm cuối năm 2010. Nhờ sự hỗ trợ của Quỹ NAFOSTED cùng với những hướng nghiên cứu ưu tiên của Nhà nước đối với nghiên cứu cơ bản, anh được hoàn toàn tập trung vào nghiên cứu. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số hạn chế trong việc thúc đẩy mạnh mẽ các công trình, dự án nghiên cứu chất lượng cao. Do đó, Nhà nước cần có những thay đổi về chính sách cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà khoa học trong nước tiếp tục thực hiện, theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu.

PGS.TS. Nguyễn Quang Hưng cũng cho hay, công trình này có ý nghĩa đặc biệt đối với lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân ở Việt Nam khi chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được các phản ứng tạo hạt nhân hợp phần trên hai máy gia tốc được trang bị cho trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội (máy gia tốc tĩnh điện Tandem Pelletron 5SDH-2) và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (máy gia tốc Cyclotron IBA 30MeV), để từ đó rút ra được thông tin về mật độ mức và hàm lực phóng xạ tương tự như các thực nghiệm của nhóm Oslo (Na-Uy)./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực