Những tấm gương trồng người thầm lặng

Chủ nhật, 28/10/2018 20:13
(ĐCSVN) - Đây là các cô giáo đã có nhiều nỗ lực, sáng kiến trong giáo dục học sinh khuyết tật, chuyên biệt, là những người đóng góp cho xã hội một cách thầm lặng, có nghị lực phi thường và tấm lòng yêu thương cao cả.
Ban Tổ chức chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" tặng quà cô giáo Phạm Thị Thu Thanh, Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP Hồ Chí Minh - Ảnh: PC

Trong hai ngày 27-28/10, Ban Tổ chức Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 phối hợp Tập đoàn Thiên Long đã có chuyến khảo sát, thăm cơ sở giáo dục và các giáo viên được đề cử trao giải thưởng “Gương giáo viên tiêu biểu” của chương trình năm nay tại TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang và Vĩnh Long.

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức từ năm 2015. Trong 3 năm qua, Chương trình đã vinh danh 166 thầy, cô giáo công tác tại các trường học điểm lẻ ở 64 huyện nghèo, các trường học nằm trên đảo thuộc các huyện đảo; các cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng làm công tác dạy học, giúp đỡ học sinh đến trường.

Tiếp nối thành công đó, Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”năm 2018, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp tổ chức tuyên dương 63 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đang dạy học sinh khuyết tật ở các cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội ở 63 tỉnh, thành.

Tại TP Hồ Chí Minh, tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, Ban Tổ chức chương trình đã lần lượt đi thăm công việc hàng ngày ở cơ sở giáo dục của cô giáo Phạm Thị Thu Thanh, Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP Hồ Chí Minh; cô giáo Võ Thị Phương Thùy ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục Hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Vĩnh Long; cô giáo Nguyễn Ngọc Hạnh, giáo viên Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Đây là các cô giáo đã có nhiều nỗ lực, sáng kiến trong giáo dục học sinh khuyết tật, chuyên biệt; là những người đóng góp cho xã hội một cách thầm lặng, có nghị lực phi thường và tấm lòng yêu thương cao cả.


Tặng quà cô giáo Võ Thị Phương Thùy, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập Trẻ khuyết tật tỉnh Vĩnh Long - Ảnh: PC

Chia sẻ về công việc thầm lặng của mình, cô giáo Phạm Thị Thu Thanh, Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP Hồ Chí Minh tâm sự về những tháng ngày đầu tiên đến với ngôi trường này. Cô kể, những tháng ngày đầu cô không sao ngủ được khi cứ nhắm mắt lại là hình ảnh những những hốc mắt đỏ hoe, với những con mắt trắng dã của những em học sinh thì tranh thủ giờ nghỉ giữa tiết, lấy mắt giả ra lau rửa và rồi lại lắp vào.

“Vào tiết cuối cùng của tuần đầu tiên, tôi đã bật khóc và không nói được lời nào khi học sinh hỏi tại sao, học sinh thì nghĩ cô đang giận vì lớp chưa ngoan. Nhưng các em đâu biết được, tôi bật khóc vì không thể tin bản thân có thể làm được 1 tuần dạy với các em. Đến bây giờ gần 20 năm, tôi vẫn khẳng định, tôi đã may mắn khi được dạy các em, dù các em bị thiệt thòi so với các bạn nhưng bằng tất cả tấm lòng, sự quan tâm, sẵn sàng giúp đỡ trong một tập thể giáo viên toàn của những người thầy cô đặc biệt, tôi cảm thấy hạnh phúc khi được dạy các em”, cô giáo Phạm Thị Thu Thanh tâm sự.

Không khỏi bùi ngùi chia sẻ về những ngày đầu tiếp cận với các em khi từ là giáo viên của một trường Tiểu học chuyển về Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập Trẻ khuyết tật tỉnh Vĩnh Long, cô Võ Thị Phương Thùy chia sẻ: “Những năm đầu tôi dạy trẻ dù được Trung tâm trang bị kiến thức nhưng không khỏi bỡ ngỡ khi dạy các em bị tự kỷ, mắc bệnh đao, bại não… thì không tự phục vụ cho mình, từ đi vệ sinh đến chơi các đồ dùng, có em vất cả đồ vật vào mặt, không biết bao lần tôi bị trẻ tát, cắn. Mới đầu tôi có chút buồn nhưng không vì thế mà tôi ngại khó, tôi hiểu rằng ấy do trẻ chưa biết cách giao tiếp mới có hành vi lệch chuẩn. Vì vậy, tôi nghĩ mình phải tìm hiểu thêm tâm lý trẻ, kết hợp với phụ huynh quan tâm, gần gũi, chia sẻ để dạy các em, thật vô cùng hiệu quả khi các em rất thích thú ham học, ngôn ngữ phát triển, nhiều em rất khéo tay đạt giải trong hội thi…”

“Bao năm dạy trẻ có khiếm khuyết, càng gần gũi các em tôi nhận ra rằng tình cảm trong các em dành cho tôi càng đậm đà, thắm thiết gọi cô giáo thân thương “Má Thùy” Niềm vui của tôi càng nhân lên khi thấy học sinh của tôi có em đã có việc làm, có gia đình riêng thật hạnh phúc” cô Phương Thùy tâm sự.

 

Tặng quà cô giáo Nguyễn Ngọc Hạnh và cá em học sinh Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang - Ảnh: PC

Kể về công việc của mình, cô Nguyễn Ngọc Hạnh, Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho hay, Cô được Ban giám hiệu nhà trường phân công dạy lớp học trong đó có em bị “chậm phát triển trí tuệ”. Đặc điểm dạy các em rất khó bởi các em không hợp tác, không nói chuyện và không trả lời và đôi khi có những hành động như la hét, cào cấu bạn. Không tham gia các hoạt động vui chơi của lớp. Không biết đang học lớp mấy và cô giáo mình của tên là gì?

“Biết rằng công việc này rất nặng nhưng tôi thường tự dặn mình phải cố gắng để giúp các em hòa nhập cũng như làm giảm đi gánh nặng cho gia đình và xã hội. Hiện nay, tôi hài lòng với những việc đã làm, bởi gia đình tôi từng có một trẻ khiếm khuyết chi và mang trong mình một căn bệnh nan y! Những nỗ lực đều không có kết quả và hiện nay em đã mất. Xuất phát từ thực tế cuộc sống của gia đình đã thôi thúc tôi làm những việc để góp phần nào xoa dịu những thiệt thòi của các em cũng của như gia đình trẻ”- Cô Nguyễn Ngọc Hạnh kể.

Chia sẻ về việc chọn đối tượng cho giải thưởng năm nay, đại diện Ban Tổ chức chương trình cho biết nghề giáo đòi hỏi một sự hy sinh, yêu nghề, mến trẻ nhưng đối với các giáo viên dạy trẻ khuyết tật, sự hy sinh này còn lớn hơn, vất vả, khổ nhọc hơn rất nhiều. Người thầy giáo, cô giáo phải có một ý chí, nghị lực phi thường và nhất là phải có tấm lòng yêu thương cao cả thì mới có thể bám trụ được với nghề. Niềm hạnh phúc của mỗi thầy cô dạy trẻ khuyết tật chính là nhìn thấy sự tiến bộ, lạc quan và niềm tin trong cuộc sống của những học trò nhỏ, giúp các em khuyết tật tự khẳng định bản thân và có cơ hội hòa nhập cộng đồng.

Được biết, Lễ tuyên dương Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tại Thủ đô Hà Nội./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực