Những thầy thuốc “cắm bản” phục vụ nhân dân

Thứ sáu, 26/02/2016 11:26
(ĐCSVN) – Có thâm niên “cắm bản” thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng sâu, vùng xa, những người thầy thuốc đã chấp nhận đối mặt với khó khăn, sống xa gia đình để đẩy lùi bệnh tật, mang niềm vui đến cho những phận người còn nhiều khốn khó.


Người thầy thuốc mang quân hàm xanh

Công tác trong ngành Y từ năm 1997, với thâm niên đã ngót nghét 20 năm thì ¼ quãng thời gian ấy, đại úy, bác sỹ quân y Nguyễn Nam Giang gắn bó với tổ công tác bản Rào Tre thuộc Đồn Biên phòng Bản Giàng, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh.

Đại úy, bác sỹ Nguyễn Nam Giang (ngoài cùng bên phải) là một trong 30 thầy thuốc trẻ bám bản tiêu biểu toàn quốc
được tuyên dương tại Đại hội Thầy thuốc trẻ toàn quốc lần thứ III - Ảnh: Minh Châu

Nơi anh đóng quân là xã Hương Liên, huyện miền núi Hương Khê. Cách xa quê nhà Nghệ An cả trăm cây số, thời gian bên vợ con tính ra không đáng kể so với thời gian Đại úy, bác sỹ Giang gắn bó cùng bà con dân tộc Chứt.

“Người Chứt vẫn thích du canh du cư, cuộc sống chủ yếu là săn bắt, hái lượm. Ốm đau, bệnh tật họ tìm đến thầy mo, thầy lang trước khi đi tìm thầy thuốc. Kê đơn thuốc cho họ uống thì người vứt bỏ, người uống hết tất cả trong một lần” - bác sỹ Giang nói.

Anh vẫn nhớ như in buổi đầu nhận nhiệm vụ thực hiện cấp cứu cho một bệnh nhân nam uống rượu say rồi cầm dao tự đâm vào tay mình. “Khâu vết thương xong, tôi kê đơn thuốc cho bệnh nhân uống trong một tuần. Nhưng chỉ hôm sau, nam thanh niên này đã quay lại xin thuốc bởi lượng thuốc ấy thay vì uống trong một tuần, bệnh nhân đã uống hết ngay trong ngày...! Sự việc lúc đó khiến tôi không khỏi choáng váng, may mắn là bệnh nhân không gặp phải sự cố đáng tiếc, nhưng đó chính là bài học cho những thầy thuốc “cắm bản” như chúng tôi. Những lần sau rút kinh nghiệm, chúng tôi chia thuốc theo ngày rồi phát thuốc yêu cầu bệnh nhân uống trước sự giám sát của bác sỹ. Nhiều trường hợp không yên tâm, thuốc được chia theo túi nhỏ, đến giờ uống thuốc, anh em thực hiện nhiệm vụ mang tới tận nhà cho người bệnh” - người thầy thuốc sinh năm 1973 chia sẻ.

Kiên trì vận động, thuyết phục với phương châm “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con, những thầy thuốc mang quân hàm xanh như đại úy Nguyễn Nam Giang không chỉ đẩy lùi con bệnh mà còn dành thời gian dạy chữ, dạy cách trồng trọt, chăn nuôi, nhờ đó mà các anh đã có được tình cảm yêu thương của đồng bào. “Giờ thì hễ cứ đau yếu là bà con đã nhớ đến tôi, tìm gặp tôi. Nhiều bà con người Chứt coi tôi như người trong nhà nên cuộc sống của người lính xa nhà cũng vì thế mà bớt cô quạnh” - người lính biên phòng phấn khởi nói.

Vui khi được đón những đứa trẻ Sê Đăng chào đời

Sinh năm 1972, nữ hộ sinh Nin đã có hơn 16 năm làm việc tại Trạm Y tế xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk. Nơi chị Nin công tác là xã nghèo, 1.120 hộ dân phần lớn là người dân tộc Sê Đăng, đời sống còn vô vàn khó khăn, trình độ hạn chế.

“Ngày trước, phụ nữ Ea Yiêng sinh con thường nhờ người thân đỡ đẻ ngay tại nhà và cắt rốn cho trẻ bằng cây lồ ô hoặc bằng dao lam. Chính vì thế mà không ít trường hợp trẻ chào đời sau khi cắt rốn bằng phương pháp này đã bị nhiễm trùng rồi mất” - chị Nin nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh
 trao Bằng khen cho nữ hộ sinh Nin - Ảnh: Minh Châu

Cũng là người Sê Đăng, chứng kiến cảnh những đứa trẻ vô tội sớm phải lìa đời một cách oan uổng, thiếu nữ Nin lúc đó đã quyết định theo nghề Y để vận động đồng bào xóa bỏ những tập tục, thói quen lạc hậu, từ đó nâng cao sức khỏe cho gia đình, người thân.

Học xong Trung cấp Y Đắk Lắk, chị Nin được phân công về công tác tại Trạm Y tế xã. Từ đó cho đến nay, chị đã không quản thời gian sớm khuya, tối muộn, cuốc bộ hàng km đường rừng núi, kiên trì đến từng nhà vận động để người dân đồng ý từ bỏ tập tục cũ. Với chị em phụ nữ trong xã, chị gặp gỡ trang bị kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong xã, động viên tâm lý, tư vấn chuẩn bị các bước cần thiết cho phụ nữ sắp sinh; chế độ dinh dưỡng hợp lý cho mẹ và bé nhằm hạn chế tối đa tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ trên địa bàn.

Bên cạnh đó, được giao phụ trách chương trình phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết, chị Nin đã tích cực hướng dẫn từng hộ dân cách phòng chống, góp phần giảm thiểu đáng kể bệnh sốt rét, sốt xuất huyết trên địa bàn.

“Làm thầy thuốc cắm bản, vất vả, cực nhọc thì chắc ai cũng hiểu nhưng không phải ai cũng cảm nhận được niềm vui của những nữ hộ sinh như tôi khi được đón những đứa trẻ Sê Đăng cất tiếng khóc chào đời khỏe mạnh trong niềm vui, sự tin tưởng của cả dòng tộc” - nữ hộ sinh Nin nói

Những thầy thuốc “cắm bản” như đại úy Nguyễn Nam Giang, nữ hộ sinh Nin chính là 2 trong số 30 thầy thuốc trẻ bám bản tiêu biểu toàn quốc vừa được Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam vinh danh tại Đại hội Thầy thuốc trẻ toàn quốc lần thứ III, tháng 1/2016 vừa qua./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực