Niềm tự hào của học sinh, sinh viên Việt Nam

Thứ tư, 08/01/2020 17:08
(ĐCSVN) - Nhìn lại lịch sử 70 năm qua, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và sự chăm lo, dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, phong trào học sinh, sinh viên và tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam đã trưởng thành qua các thời kỳ cách mạng và trở thành niềm tự hào của lớp lớp thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam.

Ngày 9/1/1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt và mở lại trường học. Đoàn biểu tình đã bị đàn áp dã man. Cuộc đàn áp đẫm máu ngày 9/1/1950 và tinh thần chiến đấu hy sinh oanh liệt của anh Trần Văn Ơn làm dấy lên trong học sinh, sinh viên và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn lòng căm thù giặc và ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai.

Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2/1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9/1 hằng năm làm ngày truyền thống học sinh - sinh viên. 

Tháng 7/1955, tại Thủ đô Hà Nội, Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam ra đời, góp phần quan trọng trong tập hợp, đoàn kết sinh viên thành một lực lượng hùng hậu, đảm đương sứ mệnh lịch sử cao cả mà Tổ quốc và nhân dân tin tưởng giao phó. Tháng 5/1958, tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn các đại biểu phải có tình yêu với Tổ quốc, với nhân dân, với chế độ xã hội chủ nghĩa, đồng thời phải yêu lao động, khoa học và kỷ luật.

leftcenterrightdel

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng (thứ ba từ phải qua) trao Huân chương Độc lập hạng Nhất (lần thứ II) cho Hội Sinh viên Việt Nam.

Giai đoạn 1955-1975, học sinh, sinh viên và Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam tích cực tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, hăng hái góp phần khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; biểu hiện sinh động thông qua các phong trào, các hoạt động như: xung kích diệt giặc dốt, tiến quân vào khoa học kỹ thuật… Đặc biệt là phong trào “Ba sẵn sàng” được khởi phát trong sinh viên Hà Nội sau đó nhanh chóng lan nhanh sang các tỉnh, thành phố khác. Với khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hàng vạn sinh viên viên từ các trường đại học đã tình nguyện nộp đơn xin nhập ngũ, chiến đấu và hy sinh anh dũng, đó là những tấm gương như: Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm…

Cùng thời điểm đó, Hội Liên hiệp học sinh, sinh viên miền Trung Trung Bộ được thành lập, cùng với đông đảo quần chúng đã xuống đường đấu tranh chống lại chế độ độc tài Mỹ - Diệm. Tổng Hội Sinh viên miền Nam và các tổ chức khác của học sinh, sinh viên đã lãnh đạo, chỉ đạo phong trào học sinh, sinh viên miền Nam biểu tình chống bắt lính, chống sự can thiệp của Mỹ, đòi quyền tự do – dân chủ, khơi dậy lòng yêu nước, thúc giục thanh niên đứng lên đấu tranh chống kẻ thù dân tộc, tiêu biểu là những tấm gương như: Nguyễn Thái Bình, Quách Thị Trang,…

Sau hơn 30 năm bị chiến tranh tàn phá nặng nề, những năm 1975 – 1993, Hội Sinh viên Việt Nam một mặt củng cố xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, thành lập Hội Sinh viên tại các tỉnh, thành phố, các trường đại học, cao đẳng trên cả nước thu hút đông đảo sinh viên tham gia; mặt khác, cùng sinh viên cả nước đẩy mạnh các phong trào học tập, rèn luyện góp phần khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới đất nước.

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V tháng 11/1993 tại Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 9/1 làm ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam. Sau Đại hội, Ban Bí thư Trung ương Đảng công nhận Hội Sinh viên Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của sinh viên Việt Nam. Ở giai đoạn này, Hội đã triển khai nhiều phong trào, chương trình có ý nghĩa như: “Học tập, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp”, “Chăm lo đời sống, quyền lợi và nghĩa vụ của sinh viên”...Đặc biệt, các hoạt động xã hội được hầu hết các trường đại học, cao đẳng tích cự tham gia như: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ánh sáng văn hóa hè”, “Mùa hè xanh”, “Hiến máu nhân đạo” và cao điểm là “Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè” (được phát động trên cả nước từ năm 2000) đã thu hút hàng triệu lượt thanh niên hăng hái tham gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, xây dựng hình ảnh đẹp của người sinh viên Việt Nam. 

Bước sang thế kỷ XXI, trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, sinh viên được xác định là bộ phận quan trọng của nguồn nhân lực để thực hiện sự nghiệp cao cả ấy. Đại hội toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2009 – 2013 đã xác định hai cuộc vận động đó là: “Sinh viên 5 tốt” và “Sinh viên xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh” qua đó, thực hiện mục tiêu đề ra là xây dựng Hội Sinh viên vững mạnh, tập hợp, đoàn kết, giáo dục sinh viên; phát huy tiềm năng của sinh viên xung kích, tình nguyện; tích cực chăm lo, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp phát, chính đáng của sinh viên. 

Trên cơ sở kết quả của cuộc vận động “Sinh viên 5 tốt”, Đại hội IX Hội Sinh viên Việt Nam chính thức phát động phong trào “Sinh viên 5 tốt”. Đến nay, phong trào tiếp tục là phong trào chủ đạo của sinh viên Việt Nam, ngày càng thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo sinh viên, thực sự là môi trường lý tưởng để sinh viên phấn đấu, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. 

leftcenterrightdel
 Cá nhân đoạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” và tập thể  “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương năm 2019 được tuyên dương.

Trải qua 10 kỳ đại hội, mỗi đại hội là một mốc son đánh dấu sự phát triển của sinh viên Việt Nam, của phong trào sinh viên và công tác Hội Sinh viên Việt Nam. Thông qua các hoạt động của mình, Hội Sinh viên đã và đang góp phần giáo dục, bồi dưỡng để hình thành lớp học sinh, sinh viên mới “vừa hồng, vừa chuyên”: có lý tưởng, bản lĩnh vững vàng; hoài bão lớn, lối sống đẹp; kiến thức vững vàng, phong phú; có trách nhiệm với cộng đồng. Bằng các hoạt động thiết thực, phong phú, Hội Sinh viên Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ trong mỗi bước trưởng thành của phong trào thanh niên Việt Nam. 

Hiện, Hội Sinh viên Việt Nam có 28 Hội Sinh viên cấp tỉnh, 44 tổ chức Hội Sinh viên cấp trường trực thuộc Trung ương, 10 Hội Sinh viên Việt Nam ở ngoài nước (Pháp, Hàn Quốc, Hà Lan, Áo, Đức, Bỉ, Hungari, Anh, Thái Lan, Singapore) với hơn 1,2 triệu hội viên. 

Nhìn lại 70 năm xây dựng và phát triển của phong trào học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam, có thể khẳng định trong bất kỳ hoàn cảnh nào, học sinh, sinh viên Việt Nam luôn kế tục và phát huy những truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh, được Đảng và Nhà nước dày công bồi dưỡng. Đó là: truyền thống yêu nước nồng nàn, trung thành với lý tưởng của Đảng; truyền thống hiếu học, say mê sáng tạo, nghiên cứu để vươn tới đỉnh cao của khoa học, công nghệ, văn học - nghệ thuật, thể dục thể thao... tinh thần đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau trong học tập nghiên cứu khoa học; tinh thần sẵn sàng chia sẻ khó khăn với đồng bào, nhân dân. 

Với những thành tích đạt được Hội Sinh viên Việt Nam đã vinh dự được nhận các phần thưởng cao quý “Huân chương Độc lập hạng Nhất” (năm 2000), “Huân chương Hồ Chí Minh” (năm 2005) và “Huân chương Sao vàng”. (năm 2010). Tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống học sinh - sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam, Hội một lần nữa vinh dự đón nhân Huân chương Độc lập hạng Nhất (lần thứ II).

Hồng Loan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực