Phải sống có trách nhiệm với môi trường

Thứ hai, 22/04/2019 12:34
(ĐCSVN) – “Có nhiều cách để chúng ta bảo vệ bầu khí quyển, bảo vệ "Ngày Trái Đất". Trước hết mỗi chúng ta, nhất là các bạn trẻ, cần sống có trách nhiệm hơn với môi trường, với khí quyển tức là đã góp phần bảo vệ sức khỏe Trái Đất - ngôi nhà chung của chúng ta”.

   
Ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn.
(Ảnh: Bích Liên) 

Ngày Trái Đất 22/4 là ngày mà cả nhân loại hành động cho thế giới tự nhiên, cho bầu khí quyển và Trái Đất mà chúng ta đang sống. Nhân ngày này, ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có cuộc trao đổi với phóng viên về trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo vệ bầu khí quyển.

 Phóng viên (PV): Xin ông cho biết ý nghĩa của Ngày Trái Đất?

Ông Lê Thanh Hải: Ra đời cách đây hơn 40 năm, Ngày Trái Đất có ý nghĩa đặc biệt, là một ngày được dùng để truyền cảm hứng cho nhận thức và đánh giá cao môi trường tự nhiên của Trái Đất.

Ngày Trái Đất được phát động tại Mỹ vào 22/4/1970 với 20 triệu người tham gia lấy chủ đề là “Ngày Quốc tế Mẹ Trái đất”.  Sau đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc U Thant đã công bố đó là Ngày Trái đất Quốc tế - ngày mùa đông chấm dứt chuyển sang xuân, cây cối nẩy chồi ra lá mới.

Trong Ngày Trái đất, mọi người thường tổ chức các hoạt động như tuyên truyền kêu gọi mọi người chung sức bảo vệ môi trường sống xanh sạch đẹp, tổ chức trồng cây xanh, thu gom rác thải,…

Năm 2019 này, Thế giới chọn chủ đề của Ngày Trái Đất là “Hãy bảo vệ các giống loài của chúng ta” tức là Hãy bảo vệ các giống loài trên toàn cầu bởi loài người cũng chỉ là một trong số các giống loài đó.

Và đặc biệt năm nay chúng ta còn hướng đến việc bảo vệ giống loài trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đây là điều hết sức quan trọng bởi theo thống kê chỉ trong vòng 50 năm trên trái đất đã biến mất 40% số loài.

Hệ mặt trời có 8 hành tinh và Trái Đất là một trong 4 hành tinh rắn của hệ mặt trời gồm: Trái đất, sao Thủy, sao Hỏa, sao Kim. Và hệ mặt trời với sự sống có mặt trên trái đất là hiện tượng hết sức ngẫu nhiên và kỳ diệu. Đó là điều mà chúng ta phải gìn giữ.

PV: Để bảo vệ trái đất thì chúng ta phải bảo vệ bầu khí quyển. Vậy chúng ta phải chung tay bảo vệ bầu khí quyển đó như thế nào thưa ông?

Ông Lê Thanh Hải: Đúng vậy. Lý do kỳ diệu là làm sao trong 4 hành tinh rắn của hệ mặt trời chỉ duy nhất trái đất có sự sống, đó là do chúng ta có bầu khí quyển.

Sao Hỏa, sao Kim cũng có bầu khí quyển nhưng một hành tinh ở quá gần mặt trời thì quá nóng và một hành tinh thì ở quá xa mặt trời thì lại quá lạnh nên ở các hành tinh đó không có sự sống. Còn hành tinh của chúng ta - Trái đất có một khoảng cách vừa đủ để có sự sống.

Theo các nhà nghiên cứu về vũ trụ, bầu khí quyển có vai trò hết sức đặc biệt. Có thể ví bầu khí quyển như một điều hòa nhiệt độ, nó giúp cho nhiệt độ của trái đất không tăng lên và cũng không giảm đi. Nó có biên độ của ngày và đêm, có biên độ của các mùa để bảo vệ trái đất và làm phong phú thêm các vùng miền khí hậu, phong phú thêm các giống loài.

Bầu khí quyển là lớp các chất khí bao quanh hành tinh trái đất và được giữ lại bởi lực hấp dẫn của trái đất. Nó gồm có nitơ (78,1% theo thể tích) và ôxy (20,9%), với một lượng nhỏ agon (0,9%), cacbon điôxít (dao động, khoảng 0,035%), hơi nước và một số chất khí khác.

Bầu khí quyển bảo vệ cuộc sống trên trái đất bằng cách hấp thụ các bức xạ tia cực tím của mặt trời và tạo ra sự thay đổi về nhiệt độ giữa ngày và đêm.

Thực ra kích thước của trái đất rất lớn, đường kính trái đất lên đến hơn 6.300km nhưng kích thước của bầu khí quyển rất mỏng, thường chỉ dày trong khoảng 100km đến 190km nhưng phần chính của khí quyển tầng đối lưu chỉ dầy 16km ở vùng Xích Đạo và khoảng 7km ở 2 cực.

Tầng đối lưu là nơi tập trung mọi hiện tượng thời tiết xảy ra ở trong đó. Chúng ta có thể hình dung và so sánh như thế này: Nếu chúng ta thu nhỏ trái đất như một Quả địa cầu mà chúng ta thường học tập nghiên cứu thì tầng đối lưu chỉ như lớp sơn mỏng trên đó, nó rất mỏng manh và dễ bị vỡ, dễ bị thay đổi. Vì vậy một trong những nguyên nhân gây tầng đối lưu dễ bị thay đổi chính là biến đổi khí hậu và khí nhà kính.

Trước đây, bầu khí quyển được tái tạo thường xuyên như việc nếu trái đất thải ra một lượng khí cacbon, khí mê tan… thì lại được Đại Dương, Rừng già, Rừng nhiệt đới, Mưa nhiệt đới… hấp thụ lại, làm điều hòa bầu khí quyển để sản sinh lại khí oxy nhưng hiện nay chúng ta biết sự điều hòa đó không còn đủ khiến trái đất đang bị nóng lên, mà kịch bản xấu nhất là đến cuối Thế kỷ 21, trái đất sẽ nóng lên 2 độ C so với nhiệt độ trung bình trước đây. Và nhân loại, thông qua Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đang phấn đấu làm sao để nhiệtđộ chỉ tăng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ 21 thôi. 

PV: Vậy cần có giải pháp gì để bảo vệ bầu khí quyển trong bối cảnh biến đổi khí hậu thưa ông?

 Ông Lê Thanh Hải: Như tôi đã nói, và theo các nghiên cứu, Trái đất là ngôi nhà chung không chỉ cho 7 tỷ con người mà cho tất cả các giống loài trên hành tinh đang cùng nhau tồn tại.

Chính vì thế, chúng ta cần bảo vệ tất cả các giống loài để làm sao có một môi trường để chúng sinh sôi nảy nở. Và sự duy trì này cần phải đảm bảo theo hướng tự nhiên và cân bằng.

Bên cạnh đó, chúng ta đã biết, các nhà khoa học, nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới đã mất khoảng 30 - 40 năm chỉ để tranh cãi việc có hay không có biến đổi khí hậu nhưng đến giờ không ai còn nghi ngờ điều đó. Ai cũng có thể cảm nhận biến đổi khí hậu thông qua việc trái đất nóng lên, khí hậu thay đổi nhiều và đặc biệt là hiện tượng thời tiết cực đoan, thời tiết trái khoáy xảy ra thường xuyên hơn.

Vậy chúng ta phải sống có trách nhiệm với bầu khí quyển, với muôn loài như thế nào đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu…? Và để bảo vệ trái đất có rất nhiều cách - tôi cho rằng có một cách rất dễ dàng đó là mỗi người chúng ta cần sống thuận thiên, tức là thuận với các quy luật thông thường của tự nhiên, mọi người đừng làm gì quá với các quy luật đó.

Ví dụ mọi người sử dụng năng lượng, sử dụng điện, sử dụng xăng dầu… ở mức độ vừa đủ. Tiết kiệm năng lượng là việc hết sức quan trọng. Vì mỗi người tiết kiệm điện một chút thì các nhà máy nhiệt điện không phải đốt than nhiều, mỗi người chịu khó đi bộ, đi xe đạp thêm một chút thì lượng khí thải do xe máy, ô tô thải ra môi trường giảm đi một chút… Và như vậy, bầu khí quyển của chúng ta sẽ “mạnh khỏe” lại, trái đất sẽ được bảo vệ nhiều hơn…

Và còn nhiều cách để chúng ta bảo vệ bầu khí quyển, bảo vệ "Ngày Trái Đất". Tôi nghĩ mỗi chúng ta, nhất là các bạn trẻ, chúng ta cần sống có trách nhiệm hơn với môi trường, với khí quyển tức là đã góp phần bảo vệ sức khỏe ngôi nhà chung của chúng ta - Trái Đất.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực