Phân tích điểm học và điểm thi để phát hiện các bất thường

Thứ năm, 07/05/2020 16:43
(ĐCSVN)- Để cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, đồng thời giải đáp các băn khoăn, thắc mắc liên quan về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH năm 2020, ngày 7/5, Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Hỏi đáp về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH năm 2020”.

Tăng cường công tác giám sát, thanh tra các khâu của kỳ thi, nhất là coi thi và chấm thi

Tại cuộc giao lưu, trả lời câu hỏi, nhiều người lo lắng, nếu giao hoàn toàn kỳ thi THPT cho các tỉnh sẽ có tình huống mua điểm hoặc có sự thỏa thuận ngầm để chống trượt? Vậy Bộ GD&ĐT sẽ làm như thế nào để kiểm soát? PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, yêu cầu an toàn, nghiêm túc, khách quan là đòi hỏi cao nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Để đạt được mục tiêu này, cả hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương phải vào cuộc một cách đồng bộ. Trong đó, theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa phương mình.

 PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT

Bộ GD&ĐT sẽ ban hành các văn bản quy chế, hướng dẫn; cung cấp các phần mềm sử dụng trong kỳ thi; xây dựng và cung cấp đề thi chung cho cả nước và thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm theo quy định hiện hành. Để bảo đảm đánh giá khách quan, hạn chế những tiêu cực, gian lận như độc giả lo lắng, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều giải pháp:

Một là, chỉ đạo công tác dạy học, kiểm tra, đánh giá trong quá trình một cách nghiêm túc. Trong đó, đã triển khai áp dụng học bạ điện tử để quản lý kết quả học tập của học sinh.

Hai là, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ công bố công khai kết quả học tập trong quá trình của học sinh với kết quả thi tốt nghiệp THPT; sẽ phân tích mối tương quan giữa điểm học tập và điểm thi để từ đó phát hiện các bất thường (nếu có) và có giải pháp xử lý phù hợp.

Ba là, tiếp tục sử dụng các bài thi trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn). Trong mỗi phòng thi, mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng. Bài thi trắc nghiệm sẽ được chấm bằng máy với phần mềm chuyên dụng, dùng chung cho cả nước theo 1 quy trình chấm thi chặt chẽ.

Bốn là, tăng cường công tác giám sát, thanh tra các khâu của kỳ thi, nhất là coi thi và chấm thi. Theo đó, ngoài các đoàn thanh tra của Bộ, Sở GD&ĐT, năm 2020 sẽ có đoàn thanh tra của tỉnh để thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của kỳ thi. Quy chế thi cũng sẽ tiếp tục xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức tham gia kỳ thi cùng với các chế tài xử lý nghiêm túc.

Năm là, tiếp tục tăng cường sử dụng các thiết bị hỗ trợ, giám sát như camera và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu của kỳ thi.

Với các giải pháp như trên, bảo đảm điều kiện khung để hướng tới kỳ thi nghiêm túc, nhưng quan trọng nhất chính là các cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi và cả các thí sinh. Do vậy, công tác lựa chọn cán bộ, tập huấn được đặc biệt coi trọng. Cùng với đó là công tác tuyên truyền, giáo dục để các thí sinh hiểu rõ trách nhiệm, triệt tiêu những ý định tiêu cực để tập trung ôn tập, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.

PGS.TS Mai Văn Trinh cho biết thêm, Bộ GD&ĐT đang khẩn trương xây dựng Quy chế thi và phối hợp với các bộ ngành liên quan để sớm công bố Quy chế theo quy định.

Tuy nhiên, Quy chế này chủ yếu tác động đến cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi (trong công tác chuẩn bị, coi thi, chấm thi,…) chứ không tác động gì nhiều đến thí sinh. Do vậy, thí sinh không cần lo lắng mà nên tập trung vào việc học tập và chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.

Ngay sau khi ban hành Quy chế, Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn và tổ chức tập huấn đầy đủ, nghiêm túc cùng với các tài liệu hỗ trợ để bảo đảm nếu địa phương thực hiện nghiêm túc quy trình, quy định thì kỳ thi sẽ được tổ chức thành công tại địa phương mình.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT 

Thí sinh tự do nộp hồ sơ tại các điểm tiếp nhận do Sở GD&ĐT quy định

Trả lời câu hỏi về việc năm nay, những thí sinh tự do sẽ đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng như thế nào? PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, đối với các trường xét tuyển đợt bổ sung hoặc xét tuyển không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT (bằng học kết quả học bậc THPT hoặc tổ chức thi riêng,…) thì thí sinh phải đăng ký xét tuyển tại trường (online hoặc nộp trực tiếp theo quy định của từng trường).

Đối với thí sinh (kể cả thí sinh tự do) đăng ký xét tuyển vào các trường có sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển trong đợt 1 sẽ được ĐKXT không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).

Thí sinh đăng ký xét tuyển cùng với đăng ký dự thi trên một phiếu và nộp tại các điểm tiếp nhận do Sở GD&ĐT quy định. Thí sinh được một lần đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến (online) hoặc bằng phiếu nộp tại điểm tiếp nhận sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh đã xét tuyển, trúng tuyển và nhập học (đã nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi) bằng các phương thức xét tuyển khác trước ngày xét tuyển đợt 1 thì không được tham gia xét tuyển đợt 1.

Thí sinh đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng

Chia sẻ những điểm cần chú ý trong Quy chế tuyển sinh năm nay, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh: Dự thảo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, trình độ cao đẳng năm 2020 về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2019. Cụ thể:

Các trường đại học được tự chủ trong công tác tuyển sinh, được tự xác định phương án tuyển sinh: Xét tuyển theo kết quả thi THPT, xét tuyển theo kết quả học tập bậc THPT, xét tuyển trên cơ sở các bài thi chuẩn hóa quốc tế, thi văn hóa, năng khiếu, kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển v.v..

Các thí sinh cần vào trang thông tin điện tử của trường để xem thông tin tuyển sinh được quy định trong đề án tuyển sinh.

Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ các trường ĐH trong xét tuyển đợt 1 đối với các trường có sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển. Đối với thí sinh xét tuyển vào các trường bằng phương thức này, thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).

Thí sinh đăng ký xét tuyển cùng với đăng ký dự thi trên một phiếu và nộp tại các điểm tiếp nhận do sở giáo dục và đào tạo quy định (thông thường là nơi thí sinh đang theo học).

Thí sinh được một lần đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến (online) hoặc bằng phiếu và nộp tại điểm tiếp nhận sau khi có điểm thi THPT. Thí sinh đã xét tuyển, trúng tuyển và nhập học (đã nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi) bằng các phương thức xét tuyển khác trước ngày xét tuyển đợt 1 thì không được tham gia xét tuyển đợt 1.

Thí sinh có đăng ký xét tuyển vào các trường Công an, Quân đội cần phải thực hiện các quy định, hướng dẫn của bộ liên quan.

Bộ GD&ĐT sẽ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đối với ngành đào tạo giáo viên và các ngành thuộc khối sức khỏe.

Thí sinh nên chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các quy định trong Quy chế tuyển sinh hiện hành và các văn bản hướng dẫn tuyển sinh của Bộ, đặc biệt là các quy định về tuyển sinh của trường để thực hiện đúng, tránh nhầm lẫn sai sót dẫn tới thiệt thòi về quyền lợi của mình./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực