Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ tư, 07/03/2018 20:18
(ĐCSVN) - Năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), trong đó có Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH. Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã chia sẻ về vấn đề này trong cuộc trao đổi với báo chí.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh: BL

Phóng viên (PV): Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên đối với vấn đề thích ứng với BĐKH, Việt Nam còn gặp không ít khó khăn. Xin ông cho biết cụ thể?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Chúng ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn cụ thể là: Khó khăn về thể chế, chính sách, thiếu hụt về thể chế, chính sách trên phạm vi toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, cộng với thiếu hụt về năng lực và nguồn lực để thực hiện các giải pháp thích ứng là thách thức lớn đối với Việt Nam.

Về khó khăn về tài chính, Việt Nam đã cố gắng tập trung nguồn lực tài chính để thực hiện các chương trình, dự án thích ứng, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. Tiếp đến là khó khăn về công nghệ. Việc xác định mức độ thiếu hụt về công nghệ thích ứng dựa trên những đánh giá nhu cầu quốc gia, dựa trên công nghệ sẵn có và yêu cầu thực hiện các cơ chế hỗ trợ công nghệ. Thiếu hụt công nghệ tiên tiến trong quan trắc, dự báo và cảnh báo khí hậu, thiên tai.

Cùng với đó là khó khăn về mặt nhận thức. Thời gian qua, việc nâng cao nhận thức của người dân về tác động của BĐKH đã được quan tâm đẩy mạnh; tuy nhiên, nhận thức của cộng đồng về vấn đề này còn chưa thật sự đầy đủ, sâu sắc, đặc biệt là người dân ở các vùng dễ bị tổn thương do tác động của BĐKH.

PV: Thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với BĐKH, Bộ sẽ triển khai các giải pháp cụ thể gì?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH là bước tiếp tục cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2013 của BCH Trung ương Đảng khoá XI về chủ động ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cho riêng ĐBSCL. Với nhận thức như vậy, tôi cho rằng việc triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP cần được đặt trong bối cảnh thực hiện đồng bộ với các giải pháp, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 24-NQ/TW, trong đó đặc biệt chú trọng các giải pháp được cụ thể hoá từ Nghị quyết 24-NQ/TW cho ĐBSCL.

Thực hiện vai trò của cơ quan chủ trì tham mưu xây dựng các Nghị quyết quan trọng nêu trên, đồng thời chủ trì điều phối và trực tiếp thực hiện một số nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết 120/NQ-CP, trước mắt Bộ tiếp tục xây dựng Kế hoạch/Chương trình tổng thể của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP sớm trình Chính phủ xem xét, ban hành để các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện và đảm bảo cơ sở giúp Chính phủ trong công tác điều phối, giám sát phân bổ nguồn lực, thực hiện các bứt phá có trọng tâm, trọng điểm nhằm khơi thông các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Trong vai trò là cơ quan được giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, tạo nền tảng thúc đẩy cho sự phát triển bền vững ĐBSCL, Bộ sẽ tập trung vào 04 nhóm nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, nhóm nhiệm vụ về cơ chế, chính sách điều phối liên ngành. Đặc biệt chú trọng tổ chức nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ mang tính chất liên ngành, liên vùng về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.

Thứ hai, nhóm nhiệm vụ về quy hoạch, điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu liên ngành về tài nguyên và môi trường, hệ thống quan trắc, cảnh báo, dự báo. Trong đó, chú trọng việc rà soát, hoàn thiện, lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của ĐBSCL; triển khai công tác điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu liên ngành phục vụ phát triển bền vững và thích ứng với BĐKH; nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo và dự báo về tài nguyên và môi trường; kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát đảm bảo không làm tăng nguy cơ xói lở bờ sông, bờ biển.

Thứ ba, nhóm nhiệm vụ về hợp tác quốc tế, tiếp tục phát huy, không ngừng mở rộng, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống; phát huy vai trò của Việt Nam tại Ủy hội sông Mê Công quốc tế, tăng cường hợp tác với các quốc gia trong lưu vực sông Mê Công, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước sông Mê Công; tích cực, chủ động đề xuất, triển khai các cơ chế, chính sách mới về BĐKH, tài nguyên nước; không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác mới cho sự phát triển bền vững ĐBSCL.

Thứ tư, nhóm nhiệm vụ về truyền thông về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH,trong đó tập trung vào xây dựng Chương trình truyền thông về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH để nâng cao nhận thức, ý thức của các cấp, các ngành và của cộng đồng.

PVLà một trong những nước sớm thông qua Thỏa thuận Paris về BĐKH, Việt Nam sẽ làm gì trong bối cảnh nhiều trở ngại, đặc biệt là cạnh tranh gay gắt giữa các nguồn lực bên ngoài?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Sau khi Thoả thuận Paris được thông qua, đàm phán BĐKH đã đi vào thảo luận các nội dung kỹ thuật cụ thể để triển khai thực hiện. Tuy nội dung thảo luận sẽ còn rất khó khăn do khác biệt giữa các Bên nhưng có thể thấy, Thoả thuận Paris đã trở thành khuôn khổ cho hành động ứng phó với BĐKH toàn cầu, với yêu cầu cam kết thực hiện không ngừng tăng trong thời gian tới.

Việt Nam đã ký và phê duyệt Thỏa thuận Paris, đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng đã sớm phê duyệt Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH năm 2016.

Tại Hội nghị, một số cam kết tài chính khí hậu đã được đưa ra như Quỹ Khí hậu xanh, Sáng kiến hỗ trợ phục hồi (InsuResilience Initiative): Đức hỗ trợ bổ sung 125 triệu USD, Na-uy & Unilever hỗ trợ 400 triệu USD cho đầu tư công và tư nhân trong lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội nhằm tăng tính tự phục hồi; Đức và Vương quốc Anh cung cấp gói hỗ trợ 153 triệu USD để mở rộng các chương trình ứng phó với BĐKH…Vì vậy, Việt Nam cần tranh thủ các nguồn lực đã sẵn sàng hỗ trợ cho một số hoạt động theo chỉ định của Hội nghị, như: xây dựng Kế hoạch thích ứng quốc gia; tăng cường năng lực xây dựng Khuôn khổ minh bạch...

 PV: Xin cảm ơn ông!

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực