Phát triển giáo dục STEM cho trẻ em gái ở Việt Nam

Thứ ba, 28/03/2017 18:18
(ĐCSVN) - Từ ngày 27-31/3, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với văn phòng quốc tế Giáo dục, UNESCO Thụy sĩ (gọi tắt là IBE) tổ chức Hội thảo quốc gia “Phát triển giáo dục STEM cho trẻ em gái ở Việt Nam”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VA

STEM viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học). Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Chia sẻ tại Hội thảo ngày 28/3, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, nâng cao nhận thức và vai trò của phụ nữ trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội là một chủ trương lớn của Chính phủ Việt Nam. Để cụ thể hóa chủ trương này trong lĩnh vực GD&ĐT, Bộ GD&ĐT đề ra giải pháp phát triển giáo dục STEM cho trẻ em gái trong mọi phương diện: chính sách, chương trình, sách giáo khoa, mô hình dạy học, đặc biệt là nâng cao nhận thức của chính trẻ em gái và gia đình, của giáo viên, cán bộ quản lý chính sách giáo dục, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu và nhà hoạt định chính sách giáo dục.

“Khi so sánh, đối chiếu với thành tựu và kinh nghiệm quốc tế, Bộ GD&ĐT nhận thức sâu sắc rằng, ngành Giáo dục Việt Nam cần tiếp tục xác định những chính sách, giải pháp và lộ trình thực hiện rõ ràng hơn để trẻ em gái và phụ nữ thực sự bình đẳng trong lĩnh vực STEM cũng như trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh.

Đề cập đến cân bằng giới trong sách giáo khoa các môn học STEM, nhóm nghiên cứu của Ths Trần Thị Hương Giang, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho hay, hiện nay chương trình giáo dục hiện hành ở Việt Nam chưa có sách giáo khoa tích hợp STEM. Hiện tại lĩnh vực STEM ở Việt Nam vẫn được dạy riêng rẽ theo các môn, Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Khoa học, Kỹ thuật…

Theo bà Trần Thị Hương Giang, cụ thể có tổng số 45 cuốn sách trong đó có 15 cuốn ở tiểu học và 30 cuốn ở THCS.  Khảo sát của nhóm cho thấy tham gia viết sách giáo khoa (SGK) các môn STEM có tổng số 187 tác giả thì có 145 tác giả nam và có 42 tác giả nữ. Trong các bài viết bằng chữ, tổng số các nhân vật được mô tả (gồm cả tên riêng hoặc danh từ chung) thì có 182 nhân vật nam và chỉ có 98 nhân vật nữ.

Có thể thấy, đa phần trong các nội dung bài viết, các nhân vật nam được đề cập nhiều hơn nhân vật nữ, đặc biệt có sự chênh lệch đáng kể là môn Tin học, Sinh học và Vật lý. Tranh minh họa trong SGK nhân vật nam cũng chiếm tỷ lệ nhiều hơn nữ.

Thêm nữa, trong số hơn 8.000 nhân vật xuất hiện trong các cuốn sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12, chỉ có 24% là nữ giới. Càng lên các cấp học cao, sự chênh lệch giữa nhân vật nam và nữ càng lớn hơn. Ví dụ, ở tiểu học, số nhân vật nam chiếm 51%, lên đến THCS là 67% và THPT là tới 81%.

Chỉ ra những khó khăn khi triển khai giáo dục STEM cho học sinh nữ ở trường phổ thông hiện nay, Ths Đặng Danh Hướng, Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) cho hay, giáo dục STEM đòi hỏi nhiều về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm và sáng tạo; khung chương trình giáo dục hiện  hành trải kín cả năm, chưa có chương trình riêng cho STEM nên thời gian cho học sinh học tập theo định hướng này còn gặp nhiều khó khăn; chương trình các môn Toán, Khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ được xây dựng theo cách tiếp cận nội dung, chưa coi trọng yêu cầu hình thành và phát triển năng lực; phần lớn học sinh Việt Nam thiếu kỹ năng thực hành, ứng dụng công nghệ thông tin, thiếu chủ động, sáng tạo, hạn chế vận dụng kiến thức vào sản xuất và đời sống chưa thích ứng kịp với mô hình giáo dục STEM…

Đưa ra giải pháp, Ths Đặng Danh Hướng cho rằng cần bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên về dạy học theo mô hình giáo dục STEM và tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên hiểu về bản chất của mô hình giáo dục STEM; thành lập trung tâm nghiên cứu giáo dục STEM; mạnh dạn biên soạn chương trình, thử nghiệm mô hình này ở một số trường trung học thực hành của các trường ĐH sư phạm, Viện nghiên cứu…/.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực