Phòng chống thiên tai trước những thách thức ngày càng cao

Thứ sáu, 22/05/2020 17:28
(ĐCSVN) - Cùng với thiên tai, quy mô nền kinh tế và dân số gần 100 triệu dân đòi hỏi công tác phòng, chống thiên tai đứng trước thách thức và yêu cầu ngày càng cao trong bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Truyền thống Phòng chống thiên tai (22/5/1946-22/5/2020), phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

 Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài (Ảnh: BT)

Phóng viên (PV): Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tình hình thiên tai diễn biến trong thời gian qua, đặc biệt là những năm gần đây?

Ông Trần Quang Hoài: Dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra ngày càng cực đoan, bất thường với xu thế gia tăng cả về tần suất và cường độ. Nhiều trận thiên tai lớn gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản đã xảy ra trên khắp các vùng miền cả nước.

Lũ quét, sạt lở đất xảy ra trên diện rộng, nhiều nơi tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ như: Mường La (tỉnh Sơn La), Mù Căng Chải (tỉnh Yên Bái); Quan Sơn, Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa).

Bên cạnh đó, mưa lớn cực đoan, trái mùa xảy ra tại nhiều địa phương với các con số đo được ở mức kỷ lục. Tiêu biểu như mưa 60mm/1 giờ, vượt mức lịch sử 50 năm tại Hà Nội vào tháng 3/2020. Đồng thời, bão mạnh có xu hướng tăng về cường độ và dịch chuyển về phía Nam, nơi mà năng lực phòng chống của cơ sở hạ tầng và người dân còn hạn chế. Hạn hán, xâm nhập mặn ở mức lịch sử tại Đồng bằng sông Cửu Long kéo dài từ cuối 2019 đến nay. Sạt lở bờ sông, bờ biển, nghiêm trọng với 2.471 điểm, trong đó 402 điểm đặc biệt nguy hiểm cần phải xử lý.

Cùng với thiên tai, quy mô nền kinh tế và dân số gần 100 triệu dân đòi hỏi công tác phòng, chống thiên tai đứng trước thách thức và yêu cầu ngày càng cao trong bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

PV: Như ông có nêu ở trên, thiên tai đang diễn biến cực đoan và bất thường, vậy chúng ta đã có những chuẩn bị gì để ứng phó với tình hình trên?

Ông Trần Quang Hoài: Trong thời gian vừa qua, thiên tai diễn ra ngày càng cực đoan, bất thường, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Dự báo, từ nay đến cuối năm, sẽ có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.

Trước diễn biễn và nhận định như vậy, chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để sẵn sàng ứng phó với thiên tai. Trong đó, ngày 15/5/2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 để quán triệt, chỉ đạo các giải pháp phòng, chống thiên tai các tháng còn lại tới trên 20.000 cán bộ chủ chốt làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã ban hành hướng dẫn và chỉ đạo các địa phương rà soát, cập nhật kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2016-2020 và phương án ứng phó theo các cấp độ rủi ro thiên tai; mặt khác, rà soát công tác chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai theo phương án đã chuẩn bị.

Cùng với công tác trên là tổ chức xây dựng và chuyển giao cho các địa phương bản đồ hiện trạng và phân vùng trượt lở đất đá khu vực miền núi phía Bắc. Xây dựng, tăng cường các trạm đo mưa tự động, trạm cảnh báo lũ quét. Nghiên cứu đề xuất xây dựng thí điểm công trình phòng, chống lũ bùn đá cho một số tỉnh miền núi.

Đặc biệt, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan truyền thông chuyển tải các thông tin về tình hình thiên tai, thiệt hại và hướng dẫn kỹ năng ứng phó lũ quét, sạt lở đất, dông lốc, mưa đá,… đến cộng đồng với nhiều hình thức phong phú.

PV: Con người đã có những tác động đến môi trường, đặc biệt về rừng. Trước những diễn biến này, trong công tác phòng chống thiên tai, chúng ta cần có những lưu ý và giải pháp gì để đảm bảo hiệu quả công tác này, thưa ông?

Ông Trần Quang Hoài: Vâng, mặt trái của các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và khai thác tài nguyên quá mức tác động lớn đến tình hình thiên tai.

Trước hiện trạng như vậy, chúng ta đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 42 ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư và Thông báo số 247/TB-VPCP về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai năm 2019. Ban Chỉ đạo đang xây dựng, trình ban hành Bộ Chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh. Qua đó, để tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai.

Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Tăng cường công tác trồng và bảo vệ, tăng độ che phủ của rừng; tái tạo rừng ngập mặn ven biển.

Chúng tôi cũng tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống ngập úng đô thị. Cụ thể, phối hợp với cơ quan truyền thông cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân chủ động ứng phó với thiên tai, trong đó có khu vực đô thị. Song song với đó, đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 76 của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật khác để đảm bảo chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

PV: Ông có thể chia sẻ thêm về những định hướng công tác phòng chống thiên tai trong thời gian tới phù hợp với tình hình biến đổi của xã hội hiện nay?

Ông Trần Quang Hoài: Trong thời gian tới, để phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu của xã hội hiện nay, chúng ta cần tổ chức nghiên cứu, quán triệt, xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020; kế hoạch hành động của Ban cán sự đảng Chính phủ ngay trong năm 2020 và hàng năm, theo từng giai đoạn.

Đồng thời, kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai, nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo điều hành. Tăng cường thu và sử dụng hiệu quả quỹ Phòng chống thiên tai tại các địa phương trong các giai đoạn phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo; đồng thời, kiểm tra, rà soát đầu tư nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đê điều, hồ đập, khu tàu thuyền neo đậu trú tránh bão. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, nhất là quan trắc, giám sát, dự báo để phục vụ chỉ đạo, ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

BT (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực