Phương án thi THPT sau 2020: Kết hợp thi trên giấy và máy tính

Thứ tư, 25/09/2019 18:20
(ĐCSVN) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Việc xây dựng phương án thi THPT sau 2020 cần chắc chắn nhưng phải khẩn trương. “Tinh thần là tạo điều kiện tối đa cho các cháu; không có chuyện các cháu chưa quen với máy tính lại phải thi máy tính hoặc hay dùng loại máy tính này nhưng thi trên loại máy tính khác” - Phó Thủ tướng lưu ý.

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực vào sáng 25/9 tại Văn phòng Chính phủ.

Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực họp sáng 25/9 tại Văn phòng Chính phủ. Ảnh: Đình Nam

Tại cuộc họp, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhìn nhận, 5 năm qua, việc đổi mới kỳ thi THPT quốc gia được thực hiện có lộ trình, thận trọng. Việc đổi mới kỳ thi THPT quốc gia là cần thiết, đúng hướng thể hiện ở nhiều điểm, trong đó quan trọng nhất việc đánh giá kết quả học tập của học sinh khách quan và trung thực hơn.

Cơ hội vào học ĐH, CĐ của các cháu được mở rộng hơn, phù hợp với nguyện vọng gắn với lộ trình tự chủ ĐH. Học sinh bớt học tủ, học lệch, bớt lò luyện thi, trong lúc học đã có sự đổi mới về phương pháp dạy và học. Dù còn những điểm tồn tại nhưng kỳ thi THPT quốc gia làm giảm đáng kể áp lực cho học sinh, gia đình, xã hội.

Các ý kiến cho rằng về cơ bản phương án thi hiện nay là tốt, cần tiếp tục có những cải tiến để phù hợp với lộ trình tăng cường tự chủ đại học, đổi mới phương pháp dạy và học trong phổ thông; đổi mới công tác dạy nghề, phân luồng, đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Các ý kiến cũng đề nghị Bộ GD&ĐT phải làm rõ hình thức thi trên máy tính trong kỳ thi THPT quốc gia sau năm 2020 để xét tốt nghiệp, đánh giá chất lượng giáo dục ở các địa phương khác với việc thi nhiều lần tại các trung tâm khảo thí để làm căn cứ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Lắng nghe các chuyên gia, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Bộ sẽ tiếp thu đầy đủ, cầu thị để chuẩn bị cho phương án thi THPT sau năm 2020 một cách căn cơ, có lộ trình chắc chắn, có sở cứ khoa học.

“Hình thức thi THPT trong những năm tới cần tiếp tục hoàn thiện, áp dụng công nghệ để bảo đảm chất lượng, kết quả công bằng, khách quan. Bộ GD&ĐT sẽ từng bước triển khai hình thức thi trên máy tính ở những nơi có đủ điều kiện. Tiếp tục chuẩn hoá và mở rộng ngân hàng đề thi. Quan trọng nhất vẫn là năng lực, đội ngũ cán bộ khảo thí, lực lượng giáo viên phải được kiện toàn, tập huấn, bồi dưỡng toàn diện. Máy tính tốt, phần mềm tốt nhưng đội ngũ cán bộ không được chuẩn bị tốt, tâm thế tốt, kỹ thuật tốt thì vẫn có thể dẫn đến những sai sót, sự cố đáng tiếc”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu. Ảnh: Đình Nam

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Việc xây dựng phương án thi THPT sau năm 2020 cần chắc chắn nhưng phải rất tích cực, khẩn trương.

Bộ GD&ĐT làm rõ phương án cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình THPT cho học sinh; phân định hình thức thi trên máy tính trong kỳ thi THPT quốc gia với hoạt động của các trung tâm khảo thí độc lập tổ chức thi nhiều lần trong năm.

“Tinh thần là tạo điều kiện tối đa cho các cháu; không có chuyện các cháu chưa quen với máy tính lại phải thi máy tính hoặc hay dùng loại máy tính này nhưng thi trên loại máy tính khác”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Bộ GD&ĐT phải bảo đảm tiến độ chuẩn hoá, cập nhật, mở rộng ngân hàng đề thi, không vì lý do này mà trì hoãn lộ trình tổ chức thi trên máy tính.

“Sau cuộc họp hôm nay, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục có các cuộc làm việc, tham khảo, tiếp thu góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng phương án và phải lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân trước khi trình Chính phủ”, Phó Thủ tướng nói./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực