Sách giáo khoa “đội giá”, phụ huynh “nặng gánh” đầu năm

Thứ tư, 09/09/2020 17:17
(ĐCSVN) – Dù năm học mới 2020-2021 đã diễn ra được gần 1 tuần nhưng suốt nhiều ngày qua câu chuyện về sách giáo khoa (SGK) bị “đội giá” vẫn không ngừng “nóng” và trở thành vấn đề khiến dư luận bức xúc, phụ huynh bất bình…
Ảnh minh họa. Nguồn: Lê Văn 

Phụ huynh “nặng gánh” đầu năm

Việc bán kèm SGK với sách tham khảo là câu chuyện đến hẹn lại lên mỗi dịp năm học mới bắt đầu. Nguyên nhân được nhiều người cho là do nhà trường, đơn vị phát hành không biết vô tình, hay hữu ý đã không giải thích rõ cho phụ huynh. Cùng với việc tăng giá SGK, thì việc “loạn” sách tham khảo, sách bổ trợ... nhất là ở cấp tiểu học đang thực sự là gánh nặng cho các gia đình có con em chập chững bước vào lớp 1.

Câu chuyện một số phụ huynh Trường Tiểu học An Phong, quận 8, TP Hồ Chí Minh lên tiếng về việc SGK bị “đội giá” như báo chí đưa tin suốt tuần qua là một ví dụ điển hình. Theo phản ánh của một phụ huynh tại trường này, hồi tháng 7 trường mầm non của con chị khi làm hồ sơ cho cháu vào lớp 1 đã thông báo số tiền mua sách là 807.000 đồng, kèm theo danh mục 25 cuốn gồm SGK, sách tiếng Anh các loại, vở bài tập, sách bổ trợ, bảng viết… Chỉ khi phụ huynh lên tiếng, nhà trường và các đơn vị liên quan mới giải thích rằng trong số đó chỉ có một số cuốn là bắt buộc, trường không ép phụ huynh mua cả bộ, chỉ là có sai sót khi không thông báo rõ sách nào phải mua, sách nào không nhất thiết phải mua.

Hay trường hợp Trường tiểu học Tây Sơn ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chọn bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”. Tuy nhiên, ngoài danh mục SGK trường còn đưa ra một danh sách nối dài 19 đầu mục bao gồm cả vở bài tập, tài liệu tham khảo. Với những đầu mục này có giá là 194.000 đồng đã tăng lên thành 305.000 đồng, chưa kể bộ đồ dùng học tập đi kèm.

Theo một phụ huynh có con vào lớp 1 trên địa bàn quận Hai Bà Trưng: Là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, chị "ngã ngửa" khi thấy bộ sách của con mình lên đến hơn 20 cuốn với giá tiền 700.000 - 800.000 đồng, tăng gấp 3 lần so với sách giáo khoa cũ.

Một số phụ huynh khác cũng chia sẻ, nhìn vào danh sách các sách nhận được, bản thân họ không phân biệt được đâu là SGK, đâu là sách bổ trợ. Vì đây là năm đầu tiên đổi sách, nhà trường yêu cầu mua 100% nên tất cả phụ huynh đều đóng tiền rồi nhận sách dù trong lòng rất phân vân. Bên cạnh đó, nhiều gia đình nhận được danh mục SGK nhưng nhà trường không giải thích rõ cho phụ huynh đâu là SGK cần mua, đâu là sách bài tập, sách tham khảo để họ cân nhắc mua hay không.

Điều đáng nói là năm nay nhiều trường tiểu học không chọn SGK lớp 1 mới theo bộ mà chọn theo môn học nên bộ sách mà trường chọn có thể là sự kết hợp giữa các môn học khác nhau trong các bộ sách khác nhau. Điều này khiến phụ huynh khó khăn hơn trong việc tự mua SGK cho con bởi mua theo từng bộ riêng sẽ không đúng với yêu cầu của trường, còn mua mỗi bộ một ít sách cũng khó thực hiện vì một số bộ sách không bán lẻ, chỉ bán nguyên cả bộ…

Lý giải về vấn đề này, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, theo quy định SGK lớp 1 mới theo chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) năm 2018 có 8 cuốn bắt buộc và 1 cuốn tự chọn. Cụ thể gồm các SGK: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên -xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động Trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và sách Tiếng Anh tự chọn.

Ngoài các cuốn SGK chính thức trên, những tài liệu bổ trợ tham khảo khác cho học sinh, phụ huynh học sinh (HS, PHHS) có thể tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc. Các tài liệu bổ trợ nên trang bị theo nhu cầu thực tế của việc dạy-học và trên tinh thần tự nguyện của PH, HS.

Danh sách đầu SGK, sách tham khảo và dụng cụ học tập Trường Tiểu học An Phong gửi phụ huynh có con nhập học lớp 1 của trường. (Ảnh: Nguyễn Cảnh/Báo CAND) 

Xử lý nghiêm nếu có việc “đội giá” SGK

Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, năm học 2020 - 2021 có hơn 1,7 triệu học sinh vào lớp 1 và số tiền các phụ huynh phải bỏ ra để mua SGK mới sẽ vào khoảng 340 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ trong khi năm học 2019 - 2020 số tiền này là gần 90 tỷ đồng. Đối với phụ huynh, ai cũng hiểu, việc học của con là vô cùng quan trọng. Sách vở là cần cho việc học, dù túng thiếu cũng phải mua đủ nhưng giữa ma trận sách được in và đưa vào danh sách được phát bởi nhà trường, phụ huynh khó có thể phân biệt được cuốn nào không thực sự cần thiết. Và nếu nhà trường không chỉ rõ phụ huynh cũng không dám không mua đủ bộ.

Đáng nói, phần lớn phụ huynh cho rằng, đối với HS mới chập chững bước vào lớp 1, gia đình chỉ mong các em đọc thông viết thạo đã là thành công rồi, nhà trường cũng không nên đòi hỏi quá cao. Vì thực tế, các em chưa đọc được và cũng chưa thể hiểu hết được những cuốn sách tham khảo mà các em phải "cõng" trên lưng. Đây cũng là vấn đề làm những gia đình nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn mang thêm gánh nặng, bởi ngoài tiền sách vở, còn tiền áo quần đồng phục và tiền nộp học đầu năm cho các em HS.

Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Tại sao nhà trường không tách bạch SGK với sách tham khảo, sách bổ trợ mà “trộn chung”? Phải chăng ở đây có sự cố tình nhập nhằng để “làm khó” phụ huynh, đưa họ vào thế bắt buộc phải mua?

Liên quan đến vấn đề này, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ chưa nhận được thông tin nào liên quan đến việc các trường “ép” học sinh mua SGK sách tham khảo để có mục đích khác. Nếu điều này xảy ra, chắc chắn Bộ GD&ĐT sẽ xử lý nghiêm khắc, triệt để đúng quy định.

Chia sẻ về vấn đề này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, năm học mới 2020-2021 là năm được đặt nhiều kỳ vọng, mở đầu chặng đường đổi mới giáo dục, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh. SGK là mặt hàng đặc biệt, in ra là để phục vụ cho việc học tập của thế hệ trẻ. Vì thế, việc tăng giá SGK cần phải có ý kiến của cơ quan quản lý giá và nếu vượt quá thẩm quyền thì phải báo cáo Chính phủ hoặc Quốc hội. Chúng ta không thể để câu chuyện “tự tiện” nâng giá sách cứ mãi tiếp diễn. Thậm chí, nâng tới mức bất hợp lý khiến nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể theo kịp. Do vậy, cần xem xét mức tăng giá SGK năm học này có hợp lý không, tại sao tăng và nếu có hiện tượng tăng bất hợp lý như dư luận phản ánh cần xử lý nghiêm trước pháp luật.

Để chấn chỉnh tình trạng này, ngày 8/9 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã yêu cầu, các Sở GD&ĐT tăng cường quản lý việc trang bị SGK và tài liệu tham khảo trong các cơ sở GDPT. Đối với tài liệu tham khảo, thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 21 quy định về việc quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, GDPT và giáo dục thường xuyên và Điều lệ trường học, trong đó yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo. PH, HS tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc. Các cơ sơ sở GDPT phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về tài liệu tham khảo sử dụng tại trường để PH, HS biết lựa chọn.

Trước những ồn ào trên, Bộ cũng yêu cầu các Sở tiến hành tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở GDPT trong việc trang bị SGK và tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trước ngày 20/9/2020 phải báo cáo về Bộ kết quả thực hiện các nội dung nêu trên./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực