Sáng kiến bạc tỉ của những người thợ trẻ

Thứ ba, 19/07/2016 14:24
(ĐCSVN) - Không chỉ làm lợi cho đơn vị hàng tỉ đồng, những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của kỹ sư trẻ Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Văn Công còn khẳng định vị thế, trí tuệ sáng tạo của người Việt Nam trước các đồng nghiệp và chuyên gia nước ngoài.

Không để mất dầu, mất khí

Nguyễn Xuân Sơn làm việc trong buồng điều khiển trung tâm tại mỏ Bạch Hổ - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Kỹ sư Nguyễn Xuân Sơn, sinh năm 1984, hiện đang công tác tại Ban Tự động hoá, đơn vị chủ lực chịu trách nhiệm đảm bảo vận hành an toàn các hệ thống đo lường và tự động hoá của gần 40 công trình khai thác dầu khí trên Biển Đông và đất liền của Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro). Anh cũng là tác giả, đồng tác giả của hàng chục sáng kiến cải tiến công nghệ trong ngành dầu khí có giá trị làm lợi lên tới hàng triệu đô la Mỹ.

Với sáng kiến hoán cải hệ thống điều khiển giàn công nghệ trung tâm số 2 do Nguyễn Xuân Sơn cùng đồng nghiệp nghiên cứu, dù đây không phải là sáng kiến mang lại lợi ích nhiều nhất, có giá trị làm lợi trên 146.000 đô la Mỹ nhưng lại là công trình khẳng định ý chí vượt khó, trí tuệ sáng tạo của đội ngũ kỹ sư trẻ Việt Nam.

“Giàn công nghệ trung tâm số 2 được ví như trái tim của mỏ dầu Bạch Hổ. Bởi tất cả các dòng dầu khai thác từ các giàn khoan đều chảy về đây để trải qua quá trình tách lọc riêng rẽ dầu, khí và nước trước khi chuyển xuống tàu tích trữ trên biển. Nhưng giàn công nghệ này nằm trong số công trình đầu tiên của Vietsovpetro, sau gần 20 năm hoạt động buộc phải nâng cấp công nghệ. Trước yêu cầu cấp bách này, Vietsovpetro cho mời chuyên gia, công ty nước ngoài nhưng qua khảo sát, họ e dè không nhận bởi công nghệ sử dụng quá cũ, rất khó nâng cấp và khối lượng công việc phải thực hiện quá lớn”, Nguyễn Xuân Sơn cho biết.

Cũng theo Nguyễn Xuân Sơn, khó nhất của dự án này là làm trong khoảng thời gian hạn hẹp, phải giữ nhịp độ sản xuất không gián đoạn. Trong khi đó, công việc điều chỉnh cổng ra, vào tiếp nhận dữ liệu đảm bảo hoạt động ổn định cùng lúc cho khoảng 10.000 tín hiệu khác nhau. Sau nhiều ngày đêm làm việc “quên ăn, quên ngủ”, Sơn và đồng nghiệp đã tìm ra giải pháp cải hoán công nghệ. Tháng 4/2015, hệ thống điều khiển Trung tâm giàn công nghệ số 2 được nâng cấp thành công, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả.

Anh Nguyễn Xuân Sơn chia sẻ, trong thời đại công nghệ của ngành dầu khí liên tục thay đổi, doanh nghiệp không thể có đủ kinh phí đầu tư thay mới toàn bộ dây chuyền thiết bị. Để đảm bảo cho các mỏ dầu hoạt động đúng công suất liên tục 24/24 giờ trong ngày và 7/7 ngày trong tuần, đội ngũ kỹ sư luôn chịu áp lực căng thẳng, buộc phải tìm kiếm các giải pháp vừa phải tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo an toàn và ổn định trong toàn hệ thống.

“Mục tiêu cao nhất của chúng tôi là không để mất khí, mất dầu. Nếu xảy ra sự cố, mỗi giếng dầu chỉ ngừng hoạt động trong vài giờ hoặc một ngày thì doanh thu trong ngày mất đi vài chục tỉ đồng, khai thác trở lại khó đạt công suất như ban đầu”, anh Sơn nói.

Cũng theo Nguyễn Xuân Sơn, những bài toán khó tương tự như cải hoán hệ thống điều khiển trung tâm số 2 là những thử thách giúp những kỹ sư trẻ như anh ngày càng trưởng thành. Nếu 10 năm trước, công việc sửa chữa các sự cố kỹ thuật trên giàn khoan phải thuê chuyên gia nước ngoài với chi phí rất tốn kém thì nay đội ngũ kỹ sư Việt Nam được đào tạo chuyên sâu, lĩnh hội nhiều kiến thức, tích luỹ kinh nghiệm nên có thể đảm nhận phần lớn công việc sửa chữa mà trước đây phải nhờ đến chuyên gia nước ngoài.

Những thợ trẻ giỏi được tuyên dương năm 2016 - Ảnh: Minh Châu

Không lệ thuộc vào dịch vụ nước ngoài

Với kỹ sư Nguyễn Văn Công, những sáng kiến cải tiến kỹ thuật vừa giúp tối ưu quy trình sản xuất và quan trọng hơn là giảm sự lệ thuộc vào các dịch vụ của nhà sản xuất, cung cấp thiết bị nước ngoài.

Sinh năm 1982, Nguyễn Văn Công là kỹ sư chuyên ngành Đo lường - Tự động hoá được đào tạo tại Đại học Bách khoa Kiev, Ukraine. Trở về nước công tác, những kiến thức học được từ nước ngoài là nền tảng giúp anh có nhiều sáng kiến, giải pháp đổi mới công nghệ, kỹ thuật làm lợi tiền tỉ cho nhà máy.

Điển hình là công trình nghiên cứu giải pháp tăng độ cứng hạt ure và cải tạo hệ thống phun bọc hoá chất VHCKK2000 thành hệ thống châm hoá chất UFC 85 vào dịch ure nóng chảy. Trong công trình này, Nguyễn Văn Công cùng đồng nghiệp đã đưa ra giải pháp kỹ thuật hệ thống điều khiển. Công trình nghiên cứu được ứng dụng thành công tại Nhà máy đạm Phú Mỹ năm 2012 góp phần làm lợi hơn 4 tỉ đồng.

Nguyễn Văn Công là tác giả của hàng chục sáng kiến kỹ thuật có giá trị ứng dụng tại Nhà máy đạm Phú Mỹ - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Gần đây nhất là năm 2015, Nguyễn Văn Công cùng đồng nghiệp đã có 5 giải pháp, sáng kiến kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất. Trong đó, ấn tượng nhất là giải pháp lập trình điều khiển, lắp đặt, chạy thử thiết bị phân tích 10-AIT-3033A/B đo nồng độ khí CO và CO2 đã tiết kiệm cho nhà máy trên 300 triệu đồng khi không phải sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài.

Nguyễn Văn Công chia sẻ, thông thường các thiết bị chuyên dụng nhập khẩu từ nước ngoài, nhà sản xuất thường cung cấp thêm dịch vụ lắp đặt, chạy thử với chi phí tốn kém. Thiết bị 10-AIT-3033A/B khi lắp đặt  ở Nhà máy đạm Phú Mỹ phải có sự can thiệp kỹ thuật, chỉnh sửa hệ thống điều khiển để kết nối đồng bộ với hệ thống điều khiển chung của nhà máy. Để tiết kiệm chi phí, các anh đã nghiên cứu giải pháp chỉnh sửa hệ thống điều khiển, xây dựng phương án lắp đặt, chạy thử thiết bị mà không cần sử dụng dịch vụ của nhà sản xuất. Sau khi lắp đặt, thiết bị hoạt động tốt, đồng bộ với dây chuyền sản xuất chung trong nhà máy, giúp cho quá trình sản xuất diễn ra liên tục. “Việc chủ động lắp đặt và chạy thử thành công thiết bị giúp đội ngũ kỹ sư của nhà máy có thể chủ động chẩn đoán, can thiệp sửa chữa khi thiết bị có trục trặc hoặc gặp sự cố mà không phải thuê chuyên gia nước ngoài.

Với những cống hiến của mình, hai kỹ sư trẻ Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Văn Công nằm trong số 38 cá nhân được Trung ương Đoàn vinh danh và trao giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc năm 2016./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực