Sáng tạo trong dạy học Ngữ văn

Thứ ba, 18/04/2017 13:10
(ĐCSVN) - Chìa khóa để mở ra cánh cửa thu hút hứng thú, tình yêu, niềm đam mê học tập môn Ngữ văn của học sinh, có lẽ trước hết là quyết tâm đổi mới, là tư duy sáng tạo của các thầy cô giáo trong quá trình dạy học.


Học sinh Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) thuyết trình, thảo luận nhóm trong một giờ học Văn.
Ảnh: Khánh Huyền.

Khi tìm tư liệu cho bài viết này, dù mới chỉ gõ cụm từ "vì sao học sinh không…" lên ô tìm kiếm của Google, tôi đã nhìn thấy dòng gợi ý đầu tiên hiển thị đầy đủ bên dưới, rất ấn tượng: "vì sao học sinh không thích học văn". Nhấp vào dòng này, chỉ trong 0,76 giây, Google cho  2.860.000 kết quả. Tất nhiên số đó bao gồm những kết quả lặp lại, song điều đáng nói là việc học sinh không thích học môn Ngữ văn ở Việt Nam là có thật, và người cảm nhận rõ rệt nhất điều này không ai khác chính là các thầy cô đang giảng dạy trực tiếp môn học ở các trường phổ thông.

Đâu là nguyên do?

Đầu tiên phải thấy sự lên ngôi của công nghệ giải trí, kéo theo công nghệ nghe nhìn làm văn hóa nghe nhìn chiếm ưu thế, văn hóa đọc bị suy giảm, dẫn tới học sinh không thích học Văn. Nguyên nhân khác xuất phát từ tính thực dụng của con người thời nay. Hầu hết các bậc cha mẹ, thậm chí cả các thầy cô giáo đều định hướng cho con em mình thi vào các trường/ngành khoa học tự nhiên, kinh tế… để sau này ra trường cơ hội tìm kiếm việc làm cao, lương bổng cao, ổn định. Song, mấu chốt của hiện tượng học sinh không thích học Văn có lẽ nằm ở nguyên nhân chủ quan từ phía các thầy cô giảng dạy. Thực tế cho thấy số giáo viên tâm huyết với công việc dạy học Ngữ văn ngày càng ít. Vì nhiều lí do, các thầy cô chưa thật thường xuyên chủ động tìm kiếm, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực nhằm khơi gợi hứng thú cho học sinh trong giờ học. Mỗi giờ Tiếng Việt, Đọc văn, Làm văn nếu cứ rập nguyên một khuôn thầy nói - trò nghe, thầy giảng - trò chép thì sẽ vừa biến học sinh trở thành những người học thụ động, vừa triệt tiêu các năng lực tự học, năng lực cảm thụ thẩm mĩ, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo… của học sinh. Người học theo đó quen được cảm thụ hộ, làm hộ, sẽ rất lúng túng khi gặp phải một tình huống/vấn đề tương tự. Sự lúng túng này tích tụ lâu ngày làm nảy sinh tâm lí ngại học, sợ học đối với môn học bấy lâu nay được cho rằng rất thú vị: "Dạy Toán, học Văn…".

Sáng tạo như thế nào?

Chìa khóa để mở ra cánh cửa thu hút hứng thú, tình yêu, niềm đam mê học tập môn Ngữ văn của học sinh, có lẽ trước hết là quyết tâm đổi mới, là tư duy sáng tạo của các thầy cô trong quá trình dạy học. Song chắc hẳn nhiều thầy cô còn băn khoăn: "Tôi phải sáng tạo như thế nào?". Chúng tôi xin dẫn một ví dụ minh họa cho tư duy sáng tạo trong hoạt động đọc hiểu một văn bản văn học. Chính xác hơn thì đó là một "phiên tòa chữ nghĩa" dành cho bài ca dao mà có lẽ không người Việt Nam nào không thuộc, không yêu, không trân trọng, nâng niu như một báu vật:

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng

Nhị vàng, bông trắng, lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Với bài ca dao này, trước nay, phần đông chúng ta chỉ có một giọng ngợi ca, không hoài nghi, không phê phán. Nào là hoa sen đẹp từ trong ra ngoài, đẹp từ ngoài vào trong. Nào là vẻ đẹp thanh khiết, sạch trong, thơm tho của một loài hoa sống giữa bùn lầy mà không tanh bẩn. Nào là loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt Nam… Riêng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Phùng Quán lại nghĩ khác. Nhà văn của thiên bút kí nổi tiếng "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" cho rằng bài ca có xuất xứ từ miệng lưỡi một gã đồ nho trịch thượng với cội nguồn, bởi từ bùn mà sen đã và vẫn được nuôi dưỡng. Theo đó, câu ca "Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" rõ là tiếng nói của gã ngụy quân tử vong ơn bội nghĩa, không xứng được xếp trong kho tàng ca dao dân gian Việt Nam. Tác giả cuốn "Tuổi thơ dữ dội", nhà văn, nhà thơ Phùng Quán cũng giận dữ ghê gớm: "Tất cả là trong một chữ "gần". Chỉ một chữ mà làm ta thấu gan ruột. Nhân danh bùn, nhân danh sen, tôi đề nghị đuổi câu thơ phản trắc này ra khỏi kho báu của nhân dân.".

Có thể sẽ không ít người không đồng tình với cách hiểu của các nhà văn, nhà thơ về bài ca dao yêu quí. Song, điều đó không quan trọng bằng việc ta đã phải giật mình, chột dạ khi lâu nay trong tư cách người đọc, ta thường chỉ nghĩ một chiều hoặc biếng lười nương theo cách nghĩ, cách hiểu của người khác về văn bản. Chúng ta đã không chịu tư - duy - sáng - tạo, không chịu nghĩ khác, nghĩ mới khi đọc hiểu văn bản. Kết quả là ngoài cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm vốn có về văn bản, chúng ta không có cách nhìn - nghĩ - cảm nào mới lạ, độc đáo, về nó. Người đọc tự đánh mất quyền chủ động khám phá vẻ đẹp của câu chuyện, bài thơ, vở kịch... Người viết không tìm được tri âm "đồng sáng tạo". Văn bản, bởi thế có thể không được hiểu đúng, không được chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp đa dạng vốn có của nó, thậm chí nó có thể bị lãng quên ngay sau khi thỏa mãn với cách hiểu đầu tiên. Kết nối văn học, sự tri âm đồng điệu giữa tác giả với độc giả do đó có thể không được thực hiện. Rất nhiều tác phẩm văn chương bởi thế có nguy cơ âm thầm chết trên trang giấy.

Đổi mới phương pháp dạy học để thu hút học sinh

Chúng ta đang bàn đến sự sáng tạo nên không thể khuôn sự sáng tạo vào những việc làm, hoạt động cụ thể. Quan điểm sáng tạo trong dạy học Ngữ văn phải được chính các thầy cô giáo thấm nhuần, nghiền ngẫm và chủ động áp dụng thực hiện. Thực tế, phải ghi nhận rất nhiều giáo viên của chúng ta đã không ngừng đổi mới phương pháp dạy học để các giờ học Ngữ văn thực sự thu hút học sinh. Có thể chia sẻ ở đây một vài kinh nghiệm về sự sáng tạo trong phương pháp dạy học Ngữ văn mà các thầy cô đã áp dụng để tất cả chúng ta cùng tham khảo, học hỏi:

Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học (soạn giảng giáo án bằng Power Point, bài giảng E-learning…). Ví như khi dạy bài "Vợ chồng A Phủ" (Tô Hoài), giáo viên có thể chèn vào slide bài giảng của mình một số hình ảnh của miền đất Tây Bắc, đoạn video cắt từ phim "Vợ chồng A Phủ" (đạo diễn Mai Lộc), đoạn nhạc trong bài hát "Bài ca trên núi" (nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương)… để học sinh theo dõi, cảm nhận sự tương đồng và khác biệt giữa một tác phẩm văn học với một tác phẩm điện ảnh, đồng thời mở rộng khả năng liên tưởng, tưởng tượng cho học sinh.

Lựa chọn hình thức tổ chức dạy học phù hợp: Dạy học trên lớp hoặc tổ chức các hoạt động ngoại khóa tại nhà trường; tổ chức tham quan trải nghiệm các khu bảo tồn thiên nhiên, các di tích lịch sử, bảo tàng văn hóa - nghệ thuật…; dạy học thông qua các phương tiện truyền thông, đa phương tiện (giới thiệu cho học sinh một số đường link các trang web tin cậy/ một số báo, tạp chí/ một số kênh, hệ phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam... có những bài viết, bài nói liên quan đến bài học)... Như khi dạy truyền thuyết "Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy", giáo viên có thể tổ chức cho học sinh tham quan khu di tích Đền Cổ Loa (Đông Anh - Hà Nội) để các em hình dung được "cốt lõi lịch sử" của câu chuyện.

Giao nhiệm vụ phù hợp với đối tượng học sinh một cách cụ thể trước, trong và sau khi học một bài học. Ví dụ, với những học sinh lười, lực học trung bình, thay vì yêu cầu học sinh về nhà soạn bài một cách ép buộc (mà phần lớn học sinh đều chép lời giải từ sách "Để học tốt Ngữ văn" ra để đối phó), hãy yêu cầu các em về nhà đọc kĩ văn bản. Giáo viên có thể gợi ý học sinh phỏng đoán và ghi lại cốt truyện/ diễn biến tâm trạng nhân vật trước khi đọc tác phẩm hoặc hỏi xem học sinh thích nhất điều gì sau khi đọc xong văn bản? Vì sao? Những câu hỏi liên hệ tình huống thực tiễn cũng có thể được đặt ra để học sinh suy nghĩ và vận dụng kiến thức của bài học để giải quyết. Tuy nhiên, những câu hỏi này nên dành cho đối tượng học sinh khá, giỏi hoặc những bạn có kĩ năng sống, có vốn sống thực tế tốt.

Lựa chọn những phương pháp dạy học, kiểm tra - đánh giá phù hợp nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Chẳng hạn như phương pháp dạy học nêu vấn đề, phương pháp thảo luận nhóm, phương pháp đóng vai, nghiên cứu tình huống, dạy học dự án; kĩ thuật chia nhóm, kĩ thuật đặt câu hỏi, kĩ thuật "Khăn trải bàn", kĩ thuật "Phòng tranh", kĩ thuật "Bản đồ tư duy"; đánh giá học sinh qua các bài kiểm tra năng lực, qua sự tích cực của các em trong việc tham gia các hoạt động nhóm, các dự án học tập… Khi chấm điểm các bài viết của học sinh, giáo viên cần chỉ rõ điểm yếu và điểm mạnh của bài viết nhằm giúp học sinh tiến bộ…

Khuyến khích học sinh đọc nhiều các tác phẩm văn chương cùng tác giả/cùng đề tài, chủ đề. Giáo viên cần có định hướng đọc cho học sinh và hướng dẫn các em ghi chép trong quá trình đọc vào Nhật kí đọc. Chẳng hạn, với các sáng tác văn xuôi tự sự (truyện ngắn, tiểu thuyết), giáo viên có thể hướng dẫn các em ghi chép theo các phương diện cốt truyện, nhân vật, nghệ thuật trần thuật với ngôi kể - điểm nhìn, giọng điệu trần thuật và ngôn ngữ (của tác giả, của nhân vật)…; hoặc tự đặt ra các câu hỏi và trả lời để biết, hiểu, vận dụng tri thức đã đọc vào thực tiễn đời sống…

Ngoài việc đọc các tác phẩm văn chương, giáo viên cũng nên gợi ý cho học sinh các tài liệu nghiên cứu phê bình và khích lệ các em đọc các tài liệu này với tâm thế đối thoại, phản biện. Các em có thể đánh dấu/ ghi bên lề ý kiến đồng tình hay không đồng tình của mình.

Để hoạt động đọc trở thành phong trào, giáo viên có thể gây dựng các nhóm/câu lạc bộ đọc sách, yêu sách. Đây sẽ là nơi để các em trao đổi, thảo luận với nhau về những vấn đề mình quan tâm trong quá trình đọc.

Khuyến khích học sinh hình thành thói quen viết nhật kí để ghi chép lại các sự việc, suy nghĩ, cảm xúc hằng ngày. Điều này sẽ giúp các em rèn kĩ năng tư duy logic, đồng thời bồi dưỡng cho các em cách diễn đạt giàu cảm xúc, giàu hình ảnh (bởi khi ghi nhật kí, người ta có thể thoải mái bộc lộ những hình dung, tưởng tượng, những xúc cảm của bản thân)…

Trong cuốn "Tự tin sáng tạo", các tác giả Tom Kelly và David Kelly rất tự hào khi giới thiệu với bạn đọc một tấm gương nhiệt tình sáng tạo trong công việc dạy học: Với kinh nghiệm 40 năm đứng lớp, một giáo viên tiểu học đã tái cấu trúc chương trình giảng dạy của mình thành những thử thách thiết kế. Thay vì giảng dạy những đề tài riêng lẻ, bà xây dựng những dự án về đề tài tương tự nhưng buộc học sinh phải rời xa sách vở và suy nghĩ một cách biện luận hơn. Điểm kiểm tra của học sinh được cải thiện, nhưng quan trọng hơn, phụ huynh nhận thấy con em mình háo hức và tò mò hơn. Các tác giả cuốn sách này tin tưởng rằng: "Năng lượng sáng tạo của chúng ta là một trong những nguồn lực quý báu nhất. Nó có thể giúp chúng ta đưa ra những giải pháp đột phá với những vấn đề nan giải nhất".
-------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp hành Trung ương. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

2. Bernd Meier - Nguyễn Văn Cường (2014). Lí luận dạy học hiện đại. NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

3. Nguyễn Trọng Hoàn (2002), Rèn luyện tư duy sáng tạo trong dạy học tác phẩm văn chương, NXB Giáo dục.

4. Richard Paul và Linda Elder (2015), Cẩm nang Tư duy đọc, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

5. Richard Paul và Linda Elder (2015), Cẩm nang Tư duy phản biện, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

6. Tom Kelley & David Kelley (2016), Tự tin sáng tạo, NXB Lao động. 

Vũ Thị Dung (Trường THPT Ân Thi - Hưng Yên)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực