Số ca mắc tay chân miệng ở Đà Nẵng chưa đến mức bùng phát dịch

Thứ sáu, 19/10/2018 17:24
(ĐCSVN) - Nhìn chung, số ca mắc tay chân miệng ở thành phố Đà Nẵng chưa đến mức bùng phát dịch. Từ đầu năm đến nay, mỗi tuần ghi nhận 15 - 25 ca, 2 đỉnh dịch của bệnh là từ tháng 3 - 5 và từ tháng 8 - 11.

Số ca bệnh có tăng (đặc điểm dịch tễ học của bệnh), trong đó khoảng 3% bệnh nặng, tập trung ở trẻ dưới 5 tuổi. Tuần cuối cùng của tháng 9 và 2 tuần đầu của tháng 10 ca bệnh có tăng lên khoảng 2,3 lần.

Thông tin được đưa ra chiều 19/10/2018 trong trao đổi nhanh giữa bác sĩ Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Đà Nẵng với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cách đây một vài ngày, phía Trung tâm Y tế Dự phòng Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 16 ổ dịch tay chân miệng với 1.376 ca mắc, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Bác sĩ đang khám cho một bệnh nhi mắc tay chân miệng (Ảnh: Phan Chung/ Báo Đà Nẵng)

Tuy nhiên, đây đều là những ổ dịch nhỏ, nằm rải rác trong cộng đồng dân cư, đang được kiểm soát tốt. Cơ quan chức năng đã lấy 291 mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm, 253 mẫu đã có kết quả và chưa có trường hợp bệnh nhân mắc chủng virus Enteroviruts 71 (EV71), trong khi chỉ ghi nhận những chủng khác như COXA (Coxsakie - 8 ca), EV (enterovirus - 89 ca). Hiện chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong.

Thống kê từ cơ quan này chỉ rõ sự phân bố số ca mắc theo tuổi: 13,7% dưới 1 tuổi, 72% nhóm 1-3 tuổi, 10,5% nhóm 3-5 tuổi và 3,8% từ 5 tuổi trở lên, và số ca mắc bệnh theo giới: Nam 821 ca (chiếm 59,67%) và Nữ là 555 ca (chiếm 40,33%).

Đáng lưu ý, quận Ngũ Hành Sơn có tỷ lệ mắc bệnh/100.000 dân cao nhất là 178 ca/80.113 dân, tương ứng tỷ lệ 222,19; tiếp theo là quận Thanh Khê với 201 ca/212.047 dân, tương ứng tỷ lệ 180,15; và quận Cẩm Lệ với 199 ca/124.551 dân, tương ứng tỷ lệ 159,77.

“Tuy nhiên, chủng EV71 xâm nhập, bùng phát ở Đà Nẵng rất là cao, vì Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng không những tiếp nhận các bệnh nhân trên địa bàn mà còn tiếp nhận nhiều ca bệnh nặng ở các tỉnh lân cận như: Quảng Nam, Quảng Ngãi… và đã có trường hợp xét nghiệm dương tính với EV71, do vậy nguy cơ lây lan rất cao”, bác sĩ Nguyễn Tam Lãm - Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng Đà Nẵng nhận định.

Mặc dù là nơi chưa bùng phát thành dịch lớn như các địa phương khác, song ông Lãm cũng cảnh báo bệnh đang có chiều hướng gia tăng do vào mùa cao điểm (từ tháng 9-11), lây chủ yếu qua đường ruột, vệ sinh, có thể biến chứng... và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên phòng bệnh rất quan trọng. Bên cạnh đó, trẻ đang mùa đi học nên thường xuyên có mặt ở nơi đông người làm tăng nguy cơ.

Dấu hiệu bệnh là phát sốt, lở loét tay chân miệng, dưới mông, có nốt bỏng nước ở miệng…

Trẻ mắc bệnh có thể tự khỏi nhưng nhiều trường hợp bị biến chứng, thậm chí là tử vong, đặc biệt với trẻ bị mắc chủng EV71 mà chúng ta không thể phân biệt được. Các bậc phụ huynh, cô nuôi dạy trẻ phải rửa tay bằng xà phòng, nước sạch nhất là trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh, ăn uống chín, môi trường thông thoáng, khử trùng phòng học, đồ chơi, không cho trẻ dùng chung đồ dùng sinh hoạt…

Bên cạnh đó, cần lưu ý, theo dõi, phát hiện các dấu hiệu trẻ mắc bệnh như sốt cao, nôn, giật mình,... và nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế để thực hiện khám, xét nghiệm.

Sở Y tế cũng đã có văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan ban ngành có liên quan cùng phối hợp, tăng cường thông tin về bệnh trong cộng đồng.

Về phía mình, đơn vị của bác sĩ Thạnh cũng nhanh chóng đề nghị Phòng Giáo dục tuyến quận/huyện ký kết kế hoạch liên ngành, truyền thông, giám sát tất cả các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình.

Cùng với đó, Bệnh viện Phụ sản - Nhi cũng đã thành lập khu điều trị riêng bệnh để hạn chế lây lan./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực