Sốt xuất huyết diễn biến bất thường do đâu?

Thứ năm, 27/07/2017 09:34
(ĐCSVN) - Trong 7 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận gần 60.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 17 người tử vong. Mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết đang gia tăng từng ngày và có diễn biến bất thường song nhiều người còn chủ quan cho rằng đã mắc sốt xuất huyết thì sẽ không mắc lại nữa.

Gần 60.000 người mắc sốt xuất huyết, Bộ Y tế họp trực tuyến

Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao gấp 4 lần

Sốt xuất huyết bùng phát cả nước

Một người có thể mắc sốt xuất huyết (SXH) nhiều lần

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), một người có nguy cơ mắc 4 lần SXH với 4 tuýp gây ra khác nhau và lần mắc sau thường nặng hơn lần mắc trước. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra với 4 tuýp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng tuýp cho nên người ta có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những tuýp vi rút khác nhau.


Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu khẳng định, một người có thể mắc SXH nhiều lần. Ảnh: ĐT

Ông Trần Đắc Phu cho hay, bệnh SXH lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Nhiều người lầm tưởng, muỗi trong chuồng trâu bò… đốt gây SXH. Thực tế, đó là loại muỗi gây lây truyền bệnh khác, còn muỗi SXH lại rất thích sống gần người, trú ẩn ngay bên cạnh con người. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.

Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa ..., không đẻ ở ao tù, cống rãnh có nước hôi thối. Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình vượt trên 20ºC.

Tại Việt Nam từ đầu năm đến nay ghi nhận gần 60 nghìn trường hợp SXH, trong đó hơn 50 nghìn trường hợp phải nhập viện, 17 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2016 số trường hợp nhập viện tăng 9,7%. Số người mắc bệnh vẫn tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam (64,4%) và miền Trung (19,9%) so với tổng số trường hợp mắc bệnh của cả nước, do đây là khu vực bệnh lưu hành trong nhiều năm qua.

Khu vực miền Bắc có tỷ lệ mắc thấp hơn (12,4%), tuy nhiên gần đây có gia tăng số trường hợp mắc tại Hà Nội (số mắc tuyệt đối Hà Nội đứng thứ 3 cả nước, số mắc trên 100.000 dân đứng thứ 19).

Nhiều nguyên nhân gây gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết

Theo nhận định của Cục Y tế dự phòng, năm nay, dịch sốt xuất huyết đến sớm hơn mọi năm. Thông thường dịch bệnh bùng phát vào mùa mưa, với nhiệt độ trung bình trên 20 độ C. Đây cũng chính là yếu tố khiến bệnh thường tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam và miền Trung.

Ông Phu cho rằng một phần nguyên nhân của sự gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian qua là mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình cao hơn các năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh.

Cùng với đó, tập quán tích trữ nước của người dân chưa có thay đổi đáng kể, tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường tại các công trường xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ loăng quăng, phát triển thành muỗi truyền bệnh.

Cũng theo ông Trần Đắc Phu, hiện công tác phòng chống sốt xuất huyết tại một số địa phương vẫn chưa đạt kết quả cao do người dân chưa chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng. Đồng thời, việc triển khai biện pháp phun hóa chất và diệt loăng quăng, bọ gậy ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn, chưa triệt để, nhiều địa phương gặp khó khăn về kinh phí. Hiện nay, công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại một số tỉnh, thành vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.

Bên cạnh đó, người dân có sự nhầm lẫn về loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và muỗi gây sốt rét (sống ngoài đường, bờ bụi), muỗi gây viêm não (sống ở chuồng trâu, chuồng bò). Muỗi vằn gây SXH là loại chỉ ưa đẻ trứng ở những vùng nước sạch. Do đó, nếu người dân chỉ chú trọng tiêu diệt bọ gậy ở các ao tù, cống nước, chỗ bẩn là một sai lầm. Thay vào đó, cần lưu ý làm sạch các vùng nước, dụng cụ chứa nước sạch ngay trong nhà như lọ hoa, cốc nước, chạn bát, thậm chí ống nước.

Bệnh nhân SXH phải nằm ghép 2-3 người/giường do bệnh viện tuyến Trung ương quá tải, số ca mắc SXH nhập viện điều trị gia tăng. Ảnh: ĐT

Trước ý kiến cho rằng phun hóa chất diệt muỗi chưa triệt để, ông Trần Đắc Phu cho biết các hóa chất diệt muỗi lưu hành trên thị trường đều đã được Bộ Y tế cấp phép. Tuy nhiên việc phun thuốc cần có sự hợp tác, đồng thuận của người dân.

“Ví như một ngôi nhà 4 tầng, khi phun thuốc phải phun tất cả các tầng. Chứ chỉ cho dự phòng phun thuốc ở tầng 1, không phun ở tầng cao không có tác dụng bởi muỗi bay và di chuyển. Phun thuốc cũng cần thực hiện tại tất cả các nhà trong cùng một khu vực. Nhưng cơ bản nhất vẫn là các biện pháp ngăn muỗi đẻ trứng, bọ gậy mới ngăn được SXH”- ông Trần Đắc Phu nói.

Vì thế, mỗi người dân, gia đình cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá ...

Còn theo ông Trần Như Dương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, phun thuốc muỗi phòng, chống dịch là quan trọng nhưng chỉ có tính nhất thời. Cái gốc vấn đề và lâu dài là phải diệt loăng quăng, bọ gậy thường xuyên, liên tục tại từng gia đình là quan trọng nhất. Vì thế, các gia đình phải thực hiện diệt loăng quăng, bọ gậy ngay tại nơi mình sinh sống, như thế việc phòng, chống dịch mới mang tính triệt để./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực