Sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp ở khu vực phía Nam

Thứ hai, 21/08/2017 16:22
(ĐCSVN) – Mặc dù các địa phương phía Nam đang nỗ lực tập trung xử lý dịch sốt xuất huyết, tuy nhiên, do mưa nhiều tạo điều kiện sinh sôi cho muỗi cùng với sự chủ quan của một bộ phận người dân, dịch sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp tại khu vực này.
Tăng cường phun thuốc diệt muỗi ở khu dân cư (Nguồn: VOV)

Trên địa bàn TP.Cần Thơ, số ca mắc sốt xuất huyết tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2016, mặc dù chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do sốt xuất huyết gây ra, nhưng số ca mắc sốt xuất huyết đang bùng phát trên diện rộng, trong đó, số ca sốt xuất huyết tập trung chủ yếu ở các quận, huyện như: Ninh Kiều, Phong Điền, Thới Lai, Ô Môn, Cái Răng….  

Nhằm tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết và chủ động phòng, chống dịch bùng phát mạnh, trong thời gian tới ngành Y tế Cần Thơ yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và các quận, huyện phải khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.

Sở Y tế TP.Cần Thơ giao Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ phối hợp với Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tập huấn, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị, phân tuyến điều trị, chuyển viện an toàn cho các bác sĩ, điều dưỡng tại các bệnh viện và trung tâm y tế dự phòng tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Tích cực phun hoá chất diệt muỗi trên diện rộng kết hợp với chiến dịch diệt loăng quăng tại các địa bàn trọng điểm có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết; thành lập tổ chuyên gia điều trị sốt xuất huyết, duy trì hoạt động đường dây nóng để tiếp nhận thông tin các ca bệnh.

Nếu quận, huyện nào để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt có trường hợp tử vong xảy ra, thì Chủ tịch UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

* Từ đầu năm 2017 đến nay, tỉnh Đồng Tháp cũng đã có trên 2.100 ca mắc bệnh sốt xuất huyết. Trong đó, 143 ca nặng và đã có 3 ca tử vong (1 người lớn, 2 trẻ em) tại huyện Tháp Mười, Hồng Ngự và Châu Thành.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp, các địa phương có ca mắc bệnh cao là TP Cao Lãnh (443 ca), huyện Lấp Vò (356 ca), huyện Thanh Bình (261 ca) và huyện Cao Lãnh (234 ca).

Được biết, tỉnh Đồng Tháp là một trong những địa phương có số ca sốt xuất huyết cao ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã yêu cầu các sở, ngành và địa phương tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và điều trị. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác chẩn đoán, điều trị; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng tổ chức thu dung cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong…

* Tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, sốt xuất huyết đang gia tăng, tập trung cao ở TP.Vũng Tàu. Từ đầu năm đến nay toàn TP.Vũng Tàu ghi nhận 876 ca mắc, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm gần 60% số ca mắc của toàn tỉnh. Chính quyền thành phố đang quyết liệt áp dụng mọi biện pháp để giảm số ca mắc, không để  sốt xuất huyết lan thành dịch.

Ngành y tế TP.Vũng Tàu cho biết,  sốt xuất huyết bắt đầu tăng nhanh từ thời điểm tháng 5 cho tới nay (tỷ lệ 170 ca/100.000 dân), tập trung nhiều nhất tại các địa phương: phường 10 (115 ca), phường 7 (81 ca), phường Thắng Nhất (70 ca), phường 11 (65 ca), phường 8, 9 (63 ca/phường). Trong đó đã phát hiện và xử lý 194 ổ dịch.

Để phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả, các phường, xã trên toàn Thành phố đã đồng loạt tổ chức nhiều chiến dịch diệt loăng quăng, vệ sinh môi trường, tập trung ở các địa bàn có số ca mắc cao. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn chưa đạt hiệu quả. Việc tổ chức vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng ở các địa điểm công cộng, các khu đất trống, công trình xây dựng ở các phường, xã chưa được quan tâm đúng mức. Công tác xử lý một số ổ dịch nhỏ chưa triệt để do thiếu nhân lực tham gia. Tâm lý người dân còn chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Thông tin một số bệnh nhân khai chưa chính xác dẫn đến không xác minh được ổ dịch.

Theo nhận định của ngành y tế Bà Rịa - Vũng Tàu, thời gian tới, sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố này sẽ tiếp tục tăng và diễn biến phức tạp. Để đẩy lùi dịch, TP. Vũng Tàu đang tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, lồng ghép tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết vào các buổi sinh hoạt ở khu phố, đoàn thể; tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên mầm non, tiểu học về phòng chống sốt xuất huyết. Ở những địa bàn nguy cơ bùng phát dịch cao thực hiện chiến dịch diệt loăng quăng ít nhất 1 tuần/lần. Triển khai có hiệu quả việc giám sát ca bệnh, để kịp thời khoanh vùng và xử lý ổ dịch…/.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực