Sử dụng nguồn nước hiệu quả, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ sáu, 20/03/2020 17:18
(ĐCSVN) – Với chủ đề "Nước và Biến đổi khí hậu", Ngày Nước thế giới 22/3/2020 nhấn mạnh tầm quan trọng cấp thiết của việc tăng cường an ninh nguồn nước và thiết lập khả năng tiếp cận nguồn cung cấp nước bền vững trước những thay đổi của biến đổi khí hậu (BĐKH) trên toàn thế giới.

Ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước.

(Ảnh: Thúy Hằng) 

Hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2020, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (TNN) xung quanh vấn đề trên.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết thông điệp về Ngày Nước thế giới năm 2020?

Ông Châu Trần Vĩnh: Hằng năm, Liên hợp quốc chọn các chủ đề khác nhau cho Ngày Nước thế giới nhằm kêu gọi sự quan tâm của toàn thế giới về các vấn đề nóng liên quan đến tài nguyên nước mang tính toàn cầu.

Ngày Nước thế giới năm 2020 có chủ đề là “Water and Climate change” (Nước và Biến đổi khí hậu) nhấn mạnh tầm quan trọng của tài nguyên nước, theo đó có các giải pháp quản lý bền vững nguồn nước giúp giảm thiểu các tác động của BĐKH và tăng tính thích ứng với các tác động tiêu cực của BĐKH.

Mối liên hệ rõ ràng giữa nước và BĐKH trong một thời gian dài đã bị bỏ qua trong các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu quốc tế. BĐKH làm tăng cường độ và tần suất của thiên tai và các sự kiện cực đoan liên quan đến tài nguyên nước. Ủy ban Nước của Liên hợp quốc (UN-Water) cũng dự đoán, hai phần ba dân số thế giới sẽ có thể bị ảnh hưởng bởi thách thức về nguồn nước vào năm 2025.

Khi dân số toàn cầu tăng lên, nhu cầu về nước tăng cũng khiến cho tài nguyên thiên nhiên trở nên cạn kiệt và tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi. Chính vì thế, chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2020 là "Nước và Biến đổi khí hậu" nhằm nhấn mạnh giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước chính là chìa khóa giúp thích ứng tốt hơn, đồng thời có thể giảm tác động tiêu cực của BĐKH. Theo đó, các nhà hoạch định chính sách phải coi tài nguyên nước như một giải pháp thiết thực giúp thích ứng với BĐKH, đồng thời đối với cộng đồng người dân, thông qua các hoạt động nhỏ hằng ngày như sử dụng tiết kiệm nước cũng đã góp phần giảm thiểu BĐKH.

Vì vậy các thông điệp Ngày Nước thế giới năm 2020 được phát động là: Sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, bền vững giúp thích ứng với BĐKH;Tài nguyên nước phải là yếu tố trung tâm của các kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH; Hãy góp phần giảm thiểu tác động của BĐKH thông qua việc thay đổi các thói quen sử dụng nước hằng ngày.

PV: Biến đổi khí hậu chính là những biến đổi về nước. Tài nguyên nước (TNN) giúp giảm thiểu tác động của BĐKH. Ông có thể chia sẻ quan điểm về vấn đề này?

Ông Châu Trần Vĩnh: TNN và khí hậu luôn có mối quan hệ khăng khít. BĐKH diễn ra ngày càng nghiêm trọng, các hiện tượng thời tiết cực đoan có tần suất và cường độ nhiều hơn, dẫn đến việc thay đổi chế độ khí tượng thủy văn, “quá nhiều hoặc quá ít” nước dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng thường xuyên và khó dự đoán làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn TNN mặt và nước ngầm. Hậu quả là hàng loạt các ngành kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến kinh tế, đời sống và sức khỏe của người dân. Số liệu thống kê của Un-Water cho thấy, trên toàn cầu, hiện có khoảng 663 triệu người vẫn chưa được tiếp cận với nguồn nước uống an toàn, đảm bảo về sức khỏe và vệ sinh môi trường.

Mối liên hệ rõ ràng giữa nước và BĐKH trong một thời gian dài đã bị bỏ qua trong các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu quốc tế. BĐKH làm tăng cường độ và tần suất của thiên tai và các sự kiện cực đoan liên quan đến TNN. Un-Water cũng dự đoán, 2/3 dân số thế giới sẽ bị ảnh hưởng bởi thách thức về nguồn nước vào năm 2025. Do đó, giải quyết các vấn đề về TNN chính là chìa khóa giúp thích ứng tốt hơn đồng thời có thể giảm tác động tiêu cực của BĐKH.

Năm 2019, các hội nghị liên quan đến ứng phó với BĐKH đã được tổ chức nhằm thúc đẩy nhanh các hành động thực hiện Thỏa thuận Paris. Năm 2020, mỗi quốc gia đã ký Hiệp định sẽ phác thảo và truyền đạt các hành động khí hậu sau năm 2020 của mình và đây cũng là năm mà Ngày Nước thế giới tập trung vào chủ đề nước và BĐKH.

PV: Tài nguyên nước đang trở thành vấn đề “nóng” được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm sâu sắc. Tuy nhiên, quản lý tài nguyên nước còn nhiều bất cập, ở nhiều nơi chưa thực sự có hiệu quả. Vậy, cần phải có những đột phá gì trong quản lý tài nguyên nước, thưa ông?

Ông Châu Trần Vĩnh: Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Bộ TN&MT đã xây dựng, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá đồng bộ cho công tác quản lý TNN từ trung ương đến địa phương. Để bảo đảm quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN theo phương thức tổng hợp, toàn diện, hiệu quả cao, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch Hành động quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp TNN giai đoạn 2014 - 2020...

Tuy vậy, công tác quản lý về TNN vẫn còn tồn tại những khó khăn, bất cập như: Công tác lập quy hoạch TNN còn chậm; việc điều hòa, phân bổ nguồn nước giữa các ngành, địa phương đòi hỏi phải có sự tính toán cụ thể và sự đồng thuận cao, trong khi chưa thành lập được các ủy ban lưu vực sông (LVS); thông tin, dữ liệu, số liệu điều tra, đánh giá, quan trắc TNN còn phân tán, chưa có cơ sở dữ liệu về TNN và chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý TNN.

Tại các địa phương, cán bộ quản lý TNN còn thiếu về số lượng, không có chuyên môn sâu về chuyên ngành, hoạt động còn mang tính kiêm nhiệm. Do kinh phí hạn chế nên công tác xây dựng mạng lưới các điểm, trạm quan trắc, giám sát TNN; điều tra, thiết lập hành lang bảo vệ nguồn nước khó thực hiện. Ý thức chấp hành pháp luật về TNN của người dân còn chưa cao, vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân xả nước thải chưa qua xử lý vào môi trường; sử dụng nước còn lãng phí, chưa hiệu quả, tình trạng hành nghề khoan nước dưới đất trái phép còn diễn ra phức tạp, khó kiểm soát...

Trong công tác quản lý TNN, cần có những giải pháp: Đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai các quy định của pháp luật về TNN đã ban hành; nghiên cứu xây dựng để sớm đưa vào hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng TNN, xả nước thải vào nguồn nước; triển khai Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản TNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống giám sát việc phối hợp vận hành liên hồ chứa; hỗ trợ và tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc cải thiện quản lý nước và vệ sinh môi trường…

PV: Đứng trước thách thức lớn về bảo đảm an ninh nguồn nước cho phát triển và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, Cục Quản lý TNN sẽ có những biện pháp, cơ chế, chính sách như thế nào để chia sẻ nguồn nước một cách hợp lý và thay đổi cơ bản trong việc quản lý, sử dụng và bảo vệ TNN, thưa ông?

Ông Châu Trần Vĩnh: Theo tôi, trong thời gian tới, để bảo đảm an ninh nguồn nước cho phát triển và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Trước mắt, cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách quản lý TNN; hoạt động cung cấp và tiêu thụ nước sạch, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt; tiến hành rà soát, sửa đổi Luật TNN, trong đó, cần có các quy định khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển TNN và các dịch vụ về nước theo phương thức xã hội hóa.

Tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch TNN quốc gia, quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản TNN, quy hoạch TNN lưu vực sông (LVS) Hồng, Cửu Long và các LVS lớn làm cơ sở cho các hành lập quy hoạch có khai thác sử dụng nước. Hoàn chỉnh việc xây dựng hệ thống giám sát TNN; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra; tăng cường giám sát vệc khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước thông qua hình thức giám sát tự động, trực tuyến.

Đổi mới cơ chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng quốc gia về TNN; tăng cường năng lực, bao gồm cả tổ chức, bộ máy, cơ sở vật chất, công cụ kỹ thuật, thông tin cho các cơ quan quản lý chuyên ngành về TNN từ trung ương đến các cấp ở địa phương

Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu về TNN và cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu về quản lý TNN giữa trung ương và địa phương; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả đến tất cả các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư; tăng cường đầu tư cho lĩnh vực TNN.

PV: Xin cám ơn ông!

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực