Sử dụng ứng dụng kết nối quan trắc online quản lý, kiểm soát lĩnh vực môi trường

Thứ ba, 05/05/2020 14:32
(ĐCSVN) – Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Bộ đã hoàn thành xây dựng hệ thống thông tin báo cáo sớm kết nối liên thông với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; phát triển ứng dụng ký số thiết bị di động (gắn SIM có chữ ký số), tra cứu văn bản trên các thiết bị di động, đưa vào sử dụng ứng dụng kết nối các hệ thống quan trắc online trên phạm vi toàn quốc để quản lý, kiểm soát các nguồn thải, cung cấp thông tin về chất lượng không khí cho người dân.
 
 Ảnh minh hoa: Bích Liên

Theo báo cáo của Văn phòng Bộ TN&MT về việc triển khai Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Hiện nay, Bộ đã đưa vào triển khai 104 Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công của Bộ, trong đó, có 72 DVC mức độ 3; 32 DVC mức độ 4 (đạt tỷ lệ 30,8% trên tổng số DVCTT cung cấp). Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt trên 50%.

Văn phòng Bộ đã phối hợp Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TNMT rà soát, dự kiến trong tháng 4 - 5 sẽ cung cấp thêm 22 DVC mức độ 4, nâng tổng số DVCTT mức 4 được cung cấp là 54 (đạt tỷ lệ 51,9% tổng số DVCTT cung cấp).

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, vừa qua, để phòng ngừa dịch COVID-19, Bộ đã phát triển các ứng dụng trực tuyến trên môi trường mạng để tổ chức các cuộc họp, làm việc với các địa phương, đơn vị. Cách làm này đã tiết kiệm rất nhiều chi phí, thời gian đi lại, giảm ùn tắc giao thông, đem lại thay đổi tích cực trong thực hiện công vụ. Từ đầu tháng 3 đến nay, Bộ và các đơn vị thuộc Bộ đã thực hiện hàng trăm cuộc họp, làm việc,… trực tuyến trên mạng.

Được biết, để có được kết quả thuận lợi trên, đặc biệt là đối với việc phát triển các ứng dụng phát triển các ứng dụng phần mềm trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, xây dựng văn phòng thông minh, văn phòng không giấy tờ, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, công việc này đã được Bộ TN&MT triển khai từ rất sớm.

Đến nay, việc chỉ đạo điều hành được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, lãnh đạo Bộ, các đơn vị có thể xử lý các công việc, giao nhiệm vụ, ký số văn bản (trừ văn bản mật) ở bất cứ nơi nào với một thiết bị di động được xác thực và bảo mật.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, ngay từ năm 2017, Bộ TN&MT đã thiết lập hệ thống kết nối điều hành giữa Bộ và các Sở TN&MT; thực hiện họp, hội nghị, giao ban không sử dụng giấy tờ. Hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ điện tử kết nối liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia, trong đó, quản lý nhiệm vụ theo chu trình từ văn bản, quá trình giải quyết đến lúc ký số, phát hành văn bản, có thể theo dõi, kiểm soát được quá trình xử lý văn bản ở từng khâu...

Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ đã hoàn thành xây dựng hệ thống thông tin báo cáo sớm kết nối liên thông với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; phát triển ứng dụng ký số thiết bị di động (gắn SIM có chữ ký số), tra cứu văn bản trên các thiết bị di động, đưa vào sử dụng ứng dụng kết nối các hệ thống quan trắc online trên phạm vi toàn quốc để quản lý, kiểm soát các nguồn thải, cung cấp thông tin về chất lượng không khí cho người dân.

Nhiệm vụ tiếp theo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết đó là việc xây dựng hạ tầng dữ liệu TN&MT đồng bộ, đáp ứng được với nhu cầu và tiến trình phát triển.

Trong đó, tập trung xây dựng hạ tầng dữ liệu tài nguyên và môi trường, nền tảng triển khai Chính phủ điện tử. Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng các nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị trực thuộc, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin. Đưa vào sử dụng mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia (VNGEONET) nhằm nâng cao chất lượng xác định vị trí, tọa độ, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hạ tầng đo đạc và bản đồ, phát triển đô thị thông minh, giao thông thông minh.

Dự kiến trong năm 2020 sẽ hoàn thành Platform cho hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu với các thuộc tính không gian, hồ sơ địa chính, quy hoạch, giá đất đối với khoảng 1/2 số huyện trên toàn quốc. Bộ đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin địa lý, dữ liệu điều tra cơ bản, dữ liệu quan trắc,… đây sẽ là nền tảng để ngành TN&MT đóng góp cho phát triển nền kinh tế số, Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp./.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực