Sửa đổi Luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Thứ hai, 12/03/2018 17:52
(ĐCSVN) – Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là cần thiết. Sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: VA

Chiều 12/3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Đề cập đến sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005 (thay thế Luật Giáo dục năm 1998) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25/11/2009 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động giáo dục.

Qua 12 năm thực hiện, Luật Giáo dục đã góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Luật đã nảy sinh một số điểm chưa phù hợp với tình hình thực tiễn như: hệ thống giáo dục quốc dân; mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp và chương trình giáo dục; văn bằng chứng chỉ; giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; quản lý nhà nước về giáo dục; đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo; chính sách đối với học sinh, sinh viên sư phạm...

“Tại thời điểm hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là cần thiết. Sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, qua rà soát và thực tiễn thi hành Luật Giáo dục, nhiều nội dung cần phải được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đồng thời phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan. Vì vậy, cần phải lồng ghép các nội dung sửa đổi, bổ sung vào các nhóm vấn đề sau:

Một là, sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân; mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp và chương trình giáo dục; văn bằng, chứng chỉ theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo (6 điều);

Hai là, sửa đổi, bổ sung quy định về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên để đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời (13 điều);

Ba là, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý nhà nước về giáo dục; đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo; chính sách đối với học sinh, sinh viên sư phạm (29 điều);

Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho hay, Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục. Qua 12 năm thực hiện, Luật Giáo dục đã tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục xây dựng và phát triển nền giáo dục nước nhà trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, trước sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn giáo dục trong nước và quốc tế; yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW; yêu cầu đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW; yêu cầu hoàn thiện môi trường pháp lý phù hợp với Hiến pháp 2013, Luật Giáo dục đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung. Do vậy, Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục.

Tuy nhiên, đề nghị Ban Soạn thảo dự án Luật tiếp tục nghiên cứu, bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước để thể chế hóa các chính sách cơ bản, tập trung làm rõ triết lý giáo dục, các điều kiện bảo đảm để phát triển giáo dục có chất lượng. Đồng thời, cần nghiên cứu để đưa ra những quy định mang tính dự báo, đặt nền móng và tạo cơ sở pháp lý để triển khai những chính sách giáo dục mới.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cũng đề nghị Ban Soạn thảo rà soát các quy định của Luật để tránh mâu thuẫn, chồng chéo với quy định của các Luật khác; điều chỉnh các lỗi kỹ thuật, bảo đảm tính nhất quán trong các quy định của Luật; tách riêng một điều về giải thích từ ngữ trong Luật Giáo dục.

Thảo luận tại phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đóng góp ý kiến, làm rõ những vấn đề liên quan đến sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục; phạm vi, nội dung sửa đổi; vị trí của Luật Giáo dục trong hệ thống pháp luật về giáo dục; công tác quản lý giáo dục; về hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông; quy định liên quan đến người học; quy định liên quan đến nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục;.../.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực