Sừng tê giác không làm cho bạn ấn tượng hơn

Thứ tư, 16/08/2017 16:49
(ĐCSVN) - Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, đơn vị này vừa ra mắt phim ngắn kêu gọi cộng đồng nói không với sừng tê giác bằng thông điệp “sừng tê giác không làm cho bạn ấn tượng hơn”.
Ảnh minh họa. Nguồn: EVN cung cấp

Phim ngắn mới ra mắt lấy bối cảnh một người đàn ông muốn nổi tiếng xuất hiện trên thảm đỏ sự kiện, cố tạo dáng thể hiện đẳng cấp như các sao hạng A. Để mong được sự chú ý của đám đông người hâm mộ, anh ta mang chiếc sừng tê giác ra khoe. Tuy nhiên, anh ta vẫn hoàn toàn bị phớt lờ. Bộ phim kết thúc với thông điệp: “Sừng tê giác không làm cho bạn ấn tượng hơn”.

Theo ENV, cộng đồng quốc tế cho rằng Việt Nam là một trong những thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất thế giới. Nhiều người Việt tin rằng sừng tê giác là thần dược và sử dụng nó để thể hiện đẳng cấp. Năm 2010, cá thể tê giác cuối cùng của Việt Nam bị sát hại để lấy sừng. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác trong nước vẫn tiếp tục là nguyên nhân gây ra nạn thảm sát hàng ngàn cá thể tê giác tại Nam Phi, quốc gia hiện có số lượng tê giác lớn nhất thế giới.

Năm 2016, có khoảng 1.054 cá thể tê giác bị giết hại để lấy sừng. Từ năm 2013, hơn 1.000 cá thể bị giết hại mỗi năm tại Nam Phi (theo tổ chức Save the Rhino International), gấp 8 lần so với 10 năm trước (khoảng 13 cá thể tê giác bị giết hại năm 2007). Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), nếu tình trạng săn bắn trái phép tiếp tục gia tăng như hiện nay, tê giác có nguy cơ bị tuyệt chủng vào năm 2026.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc ENV nhận định: “Nhiều người Việt Nam cảm thấy bản thân được nâng tầm hơn khi sử dụng sừng tê giác mà không hiểu rằng hành vi mua sừng tê giác của họ khiến hàng ngàn cá thể tê giác bị giết hại mỗi năm và chính đồng tiền của họ làm giàu cho những kẻ buôn bán động vật hoang dã trái phép. Đây thật sự là một cái nhìn lệch lạc và chẳng có gì đáng tự hào.” Bà Dung khuyến khích: “Chúng ta chỉ có thể tự hào khi bản thân góp phần bảo vệ tê giác bằng cách không sử dụng sừng tê giác và giúp cho những người thân hiểu rằng sừng tê giác không thể hiện đẳng cấp.”

Phim ngắn truyền thông mới nhất của ENV là một phần trong chiến dịch nâng cao nhận thức và kêu gọi cộng đồng chung tay chấm dứt tình trạng buôn bán sừng tê giác trái phép./.

 

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực