Tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh tài nguyên nước

Thứ tư, 26/02/2020 21:36
(ĐCSVN) – Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà, an ninh tài nguyên nước đang là một trong những thách thức lớn đối với nước ta trong quá trình phát triển. Vấn đề an ninh nguồn nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới mọi mặt trong đời sống xã hội hiện nay.

Chiều 26/2 tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trưởng (TN&MT) đã có buổi làm việc với Đoàn Giám sát của Quốc hội về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập gắn với bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn.

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, tài nguyên nước của Việt Nam phân bố rất không đều cả về không gian và thời gian. Tổng lượng dòng chảy năm tương đối lớn, nhưng tập trung chủ yếu trong mùa mưa, chỉ kéo dài khoảng từ 3 đến 5 tháng, các tháng mùa khô còn lại lượng nước chỉ chiếm từ 20 đến khoảng 30%.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Khương Trung) 

Bộ TN&MT cũng chỉ rõ 5 thách thức đối với an ninh nguồn nước, gồm: Nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài; nguồn nước phân bố không đều theo không gian và thời gian; tác động của phát triển kinh tế - xã hội đến tài nguyên nước; biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang tác động rất lớn đến tài nguyên nước của Việt Nam và vấn đề quản trị nước.

Trên cơ sở những thách thức trên, Bộ TN&MT đề xuất các giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách quản lý tài nguyên nước; hoạt động cung cấp và tiêu thụ nước sạch, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt; trong thời gian tới, tiến hành rà soát, sửa đổi Luật tài nguyên nước, trong đó cần có các quy định khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tài nguyên nước và các dịch vụ về nước. Mặt khác, cần quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sở hữu công trình tài nguyên nước hoặc thực hiện các dịch vụ về nước.

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, an ninh tài nguyên nước đang là một trong những thách thức lớn đối với nước ta trong quá trình phát triển. Vấn đề an ninh nguồn nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới mọi mặt trong đời sống xã hội hiện nay.

Do đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ TN&MT mong muốn thông qua cuộc giám sát này, có báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết chuyên đề về an ninh nguồn nước với các giải pháp đồng bộ từ chính sách, đến thực hiện; trong đó yêu cầu rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý nguồn nước, sử dụng nước và nhất là cấp nước sinh hoạt. Phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước, của các Bộ có quản lý ngành sử dụng tài nguyên nước và chính quyền địa phương các cấp; giữa quản lý nguồn nước và quản lý hoạt động khai thác, sử dụng trong các lưu vực sông.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng phải thay đổi tư duy về an ninh nguồn nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, trách nhiệm trước mái nhà chung của thế giới đang giữ xu thế chủ đạo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chỉ ra rằng, hiện nay Việt Nam bị ảnh hưởng rất nặng trong tương lai gần bởi tình hình BĐKH, nước biển dâng và xâm nhập mặn. Hơn nữa, sự phát triển rất nhanh của nước ta luôn tỷ lệ thuận với cạn kiệt tài nguyên, môi trường ô nhiễm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, trước mắt và lâu dài phải tạo được nguồn nước tự sinh, giảm nguồn nước phụ thuộc, đặt ra kịch bản thống nhất để có giải pháp; xây dựng hệ thống trữ nước, chính sách trồng rừng sinh thủy; quản lý nguồn nước ngầm. Đồng thời, phải cương quyết chống ô nhiễm nguồn nước, trong đó làm sạch nguồn nước đang ô nhiễm và bảo vệ nguồn nước trước ô nhiễm; đảm bảo thống nhất và hoàn thiện hệ thống pháp luật để tránh sự chồng chéo, không hợp lý./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực