Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững: Thời cơ và thách thức đối với Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp

Thứ tư, 08/11/2017 15:40
(ĐCSVN) – Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức sáng 8/11, tại Hà Nội.

Các đồng chí: PGS,TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Lê Xuân Đình, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo chủ trì hội thảo.

 

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: Thế Dương

Phát biểu Đề dẫn hội thảo, PGS, TS Lê Xuân Đình, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết: Ban tổ chức đã nhận được hơn 20 bài tham luận của các nhà khoa học gửi về hội thảo. Các bài tham luận đã phản ánh nhiều góc nhìn khác nhau về ý nghĩa, hiệu quả và cả những trăn trở, thể hiện sự tâm huyết về vấn đề tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với bảo vệ môi trường.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ về các vấn đề nội hàm của của tăng trưởng xanh, mối quan hệ giữa tăng trưởng xanh với phát triển bền vững; vai trò của Nhà nước cũng như của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế xanh, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp với vấn đề bảo vệ môi trường; Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là nghĩa vụ, hay còn là quyền lợi của các chủ thể tham gia quá trình tăng trưởng kinh tế: giải pháp để lồng ghép tăng trưởng xanh trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách hiện hành của quản trị quốc gia, cũng như trong chiến lược kinh doanh trong quản trị doanh nghiệp.

PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Như vậy nội hàm tăng trưởng xanh ở Việt Nam có rộng hơn. Đó là trước hết đổi mới mô hình tăng trưởng đi liền với tái cơ cấu nền kinh tế trên cơ sở áp dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng hiệu quả tài nguyên, thiên nhiên. Bên cạnh giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề xóa đói giảm nghèo, cũng như tạo động lực tăng trưởng kinh tế.  

PGS, TS Lê Quốc Lý cho rằng: Việc thực hiện tốt vấn đề về tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững, thông qua các hoạt động như: tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường; kiểm soát ô nhiễm; tái chế chất thải; tiết kiệm tài nguyên… Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện trách nhiệm xã hội về bảo vệ môi trường, lựa chọn công nghệ xanh, chuyển hướng sang sản xuất xanh, cũng như tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Theo Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bùi Tất Thắng, một vấn đề nổi lên đặc biệt đáng lưu ý trong thời gian gần đây, vừa là thách thức rất to lớn, song cũng đồng thời là cơ hội tiếp cận để thực hiện nhanh đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là sự xuất hiện của Cách mạng công nghiệp 4.0 với đặc trưng là internet, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, khoa học vũ trụ, khoa học về đại dương, năng lượng tái tạo….. Cuộc cách mạng này được đánh giá là sẽ có những bước tiến mang tính bước ngoặt, chưa lường hết được và sẽ tác động rất mạnh tới mô hình và cơ cấu phát triển kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa của mọi quốc gia.Trong quá trình thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, Việt Nam nhất thiết phải nắm lấy cơ hội này, nếu không muốn bị tuột ra bên lề của dòng chảy phát triển chung của thế giới.

Tại Hội thảo, các đại biểu khẳng định: Tăng trưởng xanh là nội dung cơ bản của phát triển bền vững, với sự tập trung hơn vào yếu tố môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng là những vấn đề then chốt trong phát triển của kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng xanh là một bộ phận của phát triển bền vững tập trung vào môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu khí thải nhà kính trên cơ sở công nghệ xanh và tạo ra động lực phát triển mới.../.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực