Tạo bước đột phá trong bảo vệ môi trường nông thôn

Thứ sáu, 03/07/2020 17:32
(ĐCSVN) - Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, vấn đề xử lý rác thải khu dân cư và cải tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp đã được các địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực; tập trung chỉ đạo quyết liệt nên đã tạo ra bước đột phá lớn trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn.

Đến nay, hầu hết các thôn, xã đã hình thành đội thu gom chất thải sinh hoạt dưới các hình thức như Tổ tự quản, hợp tác xã hoặc doanh nghiệp tư nhân đảm nhiệm. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom đã đạt 63,5%. Tại một số địa phương, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom lên tới trên 90% như ở huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa; huyện Thanh Liêm, Hà Nam; huyện Nam Trực, Nam Định; huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình… Ở phạm vi cấp tỉnh, Đồng Nai là điển hình với lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý khoảng 1.838 tấn/ngày, đạt 98,1%, cao nhất cả nước.

Cải tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, góp phần đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống là mục tiêu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 ở nước ta.

Mặc dù chôn lấp vẫn chiếm tỷ lệ cao trên 70% trong các phương pháp xử lý rác thải thu gom, song xu thế chuyển dịch sang dùng biện pháp đốt đang phổ biến tại nhiều địa phương. Đặc biệt, phương pháp thiêu đốt thu hồi để phát điện đã bắt đầu được áp dụng. Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát điện tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ là nhà máy điện rác sinh hoạt đầu tiên được đưa vào sử dụng với công suất 400 tấn/ngày, tương ứng với công suất phát điện 120.000 Kwh.

 Phương pháp thu hồi mùn bã hữu cơ để sản xuất phân compost cũng được ưu tiên áp dụng. Hiện cả nước đã có 42 cơ sở áp dụng biện pháp này, trong đó riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 6 cơ sở, công suất từ 60 - 200 tấn/ngày, tại các tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Đồng Tháp.

 Trong công tác vệ sinh môi trường nông thôn thì công tác thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật rất được chú trọng. Hầu hết các tỉnh, thành phố đều có chỉ đạo, hướng dẫn thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Tại 42 tỉnh, thành phố có gần 58 nghìn bể thu gom. Riêng tỉnh Bình Định có 100% số xã có nhà lưu chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Tỷ lệ xã có điểm thu gom thuốc bảo vệ thực vật đạt 21%. Bao bì thu gom chủ yếu được xử lý bằng phương pháp đốt và chôn lấp tại bãi rác của địa phương.

 Cũng theo Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, công tác xây dựng cảnh quan, thực hiện vệ sinh môi trường có sự chuyển biến vượt bậc, tiêu biểu cho thành quả xây dựng nông thôn mới.

 Những phong trào “sạch làng, đẹp ruộng”, “thắp sáng làng quê”… đang dần nâng cao ý thức của cư dân nông thôn về giữ gìn vệ sinh môi trường sinh thái và môi trường xã hội.

 Các tỉnh miền núi đã tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi gầm sàn, góp phần hạ tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm hoặc sát cạnh nhà đang ở xuống còn 24,4%.  

 Trên khắp mọi miền Tổ quốc, đã xuất hiện nhiều mô hình cải tạo cảnh quan thôn, bản, ấp được các địa phương áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế như mô hình: “dòng sông không rác” của tỉnh Nam Định; “biến bãi rác thành vườn hoa” của tỉnh Đồng Tháp; trồng hoa, cây xanh “từ nhà ra ruộng”, hai bên đường giao thông tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Nai, Đồng Nai, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long…; mô hình “con đường bích họa” tại các huyện Đan Phượng, Gia Lâm - Hà Nội, Tam Kỳ - Quảng Nam; làng bích họa của đồng bào dân tộc Dao tại Móng Cái, Quảng Ninh; mô hình “tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, giảm nghèo bền vững” tại Hậu Giang, Thanh Hóa, Nam Định… đã góp phần tạo nên một diện mạo mới ở nông thôn.

 Nhờ các phong trào này, trên cả nước đã có hàng vạn km tuyến đường hoa. Nhiều huyện có tỷ lệ đường nông thôn trồng hoa, cây xanh đạt trên 50% như huyện Châu Thành A, thành phố Vị Thanh, thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang); huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh; thị xã Bình Minh, huyện Vĩnh Long; huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú, tỉnh Đồng Nai… Nhiều nơi có tuyến đê trồng hoa, trồng cây kiểu mẫu tạo nên cảnh quan môi trường nông thôn trong lành như ở huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam; huyện Nam Trực, Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định; thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

 Trong giai đoạn 2021 - 2025, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia xác định mục tiêu đưa nông thôn trở thành một nơi đáng sống. Một trong những định hướng trọng tâm để đạt được mục tiêu này là phải đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường nông thôn, với các nhiệm vụ chủ yếu là tăng tỷ lệ chất thải rắn, nước thải sinh hoạt, bao bì thuốc bảo vệ thực vật được phân loại, thu gom và xử lý. Thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư các khu xử lý rác thải tập trung quy mô liên huyện, liên tỉnh.

 Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục phát động và duy trì phong trào nói không với rác thải nhựa, tái sử dụng chất thải nông nghiệp đảm bảo đúng quy trình; cải tạo cảnh quan môi trường; phát triển, nhân rộng các mô hình phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng các loại chất thải ngay từ nguồn phát sinh theo nguyên lý “kinh tế tuần hoàn”.

 Tập trung phát triển các mô hình thôn, xóm xanh, sạch, đẹp làm tiền đề cho phát triển du lịch nông thôn về lâu dài. Đẩy mạnh xử lý môi trường ở những nơi ô nhiễm nghiêm trọng như làng nghề, bãi tập trung chôn lấp xử lý rác thải…/.                                                       

Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực