Tập trung nhân lực, vật lực để chặn dịch sốt xuất huyết

Thứ sáu, 18/08/2017 14:44
(ĐCSVN) - Sốt xuất huyết (SXH) vẫn đang diễn ra phức tạp trên cả nước mặc dù số ca mắc đang có chiều hướng giảm. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế và các cấp chính quyền, việc nhanh chóng ngăn chặn sự bùng phát của SXH phụ thuộc nhiều vào chính ý thức của mỗi người dân.

Hà Nội ghi nhận hơn 17.000 ca mắc SXH, 7 người tử vong

Tại buổi họp về công tác phòng, chống SXH trên địa bàn Hà Nội do Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội tổ chức tối ngày 17/8, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 90.626 trường hợp mắc SXH, 24 trường hợp tử vong. Trong đó số trường hợp nhập viện là 76.846 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016 (54.003/17) số mắc tăng 67,8%, số tử vong tăng 7 trường hợp.

Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: ĐT

Còn tại điểm nóng SXH Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến ngày 16/8, số ca mắc SXH tại Hà Nội đã lên đến 17.365 người, trong đó có 7 người tử vong. Nếu tính theo số mắc tuyệt đối, Hà Nội đứng thứ 2 cả nước (sau TP Hồ Chí Minh); tính số mắc trên 100.000 dân thì Hà Nội đứng thứ 3 trong cả nước (sau Đà Nẵng và Bình Dương). Trong tuần Hà Nội ghi nhận 3.440 trường hợp mắc SXH, so với tuần trước số mắc giảm 7 trường hợp, có xu hướng chững lại. Số bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện 2.588, (chiếm 15%), ghi nhận có xu hướng giảm trong những ngày gần đây.

Ông Hoàng Đức Hạnh cũng cho biết thêm, Bộ Y tế cũng đã cấp thêm cho Hà Nội 30 máy phun đeo vai và 300 lít hóa chất Hantox-200. Ngoài hỗ trợ máy phun, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái còn đưa cả bác sĩ và cán bộ kỹ thuật tăng cường cho Thủ đô chống dịch. Trong ngày 16/8, mặc dù trời có mưa nhưng Sở Y tế Hà Nội vẫn tiếp tục triển khai phun thuốc diệt muỗi trên địa bàn 21 quận, huyện. Việc phun thuốc diệt muỗi diễn ra từ nay đến hết tháng 8 tại các ổ dịch trọng điểm và 100% các bệnh viện, trạm y tế, phòng khám, trường học, chợ, khu lán trọ công trình.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế đã tăng cường 6 đội cơ động của 2 Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Sốt rét – Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương giám sát, hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt trong phun hóa chất và giám sát véc tơ (đã tổ chức họp rút kinh nghiệm 4 đội đã triển khai và bổ sung thêm 2 đội). Thành lập 26.038 đội xung kích với 63.119 người tại 4.638 tổ dân phố tại 584/584 xã phường của Hà Nội.

Từ ngày 12/8 đến hết ngày 16/8 các đội xung kích đã kiểm tra được 1.346.189 hộ trên tổng số 1.838.906 hộ (đạt tỷ lệ 73%), kiểm tra tổng số 2.754.108  dụng cụ chứa nước đã xử lý 400.876 dụng cụ chứa nước có bọ gậy, thả hơn 40.539 con cá; đồng thời tổ chức phun hóa chất diện rộng. Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, giảm tình trạng quá tải, hạn chế thấp nhất tử vong, tăng cường tập huấn, hỗ trợ điều trị cho các bệnh viện tuyến dưới, các trạm y tế trên địa bàn thành phố, chú trọng điều trị ngoại trú.

Huy động nhiều lực lượng chống SXH

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Hà Nội cần huy động thêm các lực lượng tham gia phòng chống SXH. Đồng thời đẩy mạnh việc phun mù nóng vì hiện nay việc phun này hiệu quả hơn phun sương. Bên cạnh đó, việc phun hóa chất phải tiến hành thực hiện đúng theo khuyến cáo phun 3 lần.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay hiệu quả phun muỗi tại cộng đồng và gia đình đã làm cho mật độ muỗi giảm rõ rệt. Tuy nhiên để việc phòng chống hiệu quả, đề nghị công tác truyền thông đi trước một bước, tập trung tuyên truyền về ổ chứa muỗi, loăng quăng; dấu hiệu của bệnh và khi mắc bệnh thì nên điều trị thế nào…

Bộ trưởng cũng yêu cầu, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương bắt một số loài muỗi để phân lập muỗi. Cục Y tế dự phòng phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Sốt rét – Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương tăng cường tập huấn cho tuyến dưới về dịch tễ học thực địa. Về phía Hà Nội, các khoa côn trùng của đơn vị dự phòng phải thường xuyên tiến hành thống kê số lượng muỗi để làm dịch tễ học thực địa. Bộ trưởng cũng yêu cầu cần tiếp tục phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng ở bệnh viện, trường học, khu đất trống, công trường xây dựng...

Trước việc người dân quá lo lắng trước diễn biến SXH nên tự phun thuốc diệt muỗi để phòng tránh, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã có khuyến cáo nếu phun không đúng liều lượng, không đúng quy trình, thậm chí không rõ hóa chất sẽ không tiêu diệt được muỗi mà còn có thể tăng nguy cơ muỗi nhờn thuốc, kháng thuốc, thậm chí là "khỏe lên" sau khi phun thuốc. Nếu chỉ phun thuốc diệt muỗi ở phạm vi một gia đình trong khi hàng xóm không phun thuốc thì tác dụng sẽ rất ít bởi chỉ trong thời gian ngắn sau khi phun xịt thuốc, muỗi từ bên ngoài lại bay vào nhà. Do vậy, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội khuyến cáo, nếu người dân có nhu cầu phun thuốc thì nên đến trạm y tế địa phương hoặc liên lạc đến đường dây nóng của Sở Y tế để được tư vấn đầy đủ.

Hiện Bộ Y tế đang cho lưu hành 3 loại hóa chất diệt muỗi phòng chống SXH gồm Deltamethrine, Permethrine và Malathion. Ba loại thuốc này cho kết quả nghiên cứu, thử hiệu lực, khả năng kháng muỗi rất tốt.

Còn việc một số người bị dị ứng sau khi phun thuốc diệt muỗi, về vấn đề này, đại diện của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho hay, dị ứng có thể xảy ra với những trẻ có cơ địa dị ứng và quá mẫn cảm. Do vậy, nếu trẻ bị dị ứng với hóa chất phun chống muỗi thì các thầy cô giáo cần phối hợp với y tế nhà trường để chăm sóc trẻ, nếu trẻ có dấu hiệu nặng hơn cần đưa đến các trung tâm y tế.

Hiện Hà Nội đã thành lập 6 đoàn kiểm tra và triển khai công tác phòng, chống SXH tại các quận/huyện/thị xã từ ngày 17/8. Mỗi đoàn sẽ tiến hành kiểm tra tại 5 quận/huyện và một số khu vực dân cư có dịch bệnh...

Từ ngày 17/8, các đoàn kiểm tra sẽ bắt đầu kiểm tra tại 12 quận/huyện trọng điểm về SXH, gồm: Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Hà Đông, Thanh Trì, Thanh Xuân, Thanh Oai, Thường Tín và Hoàn Kiếm./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực