Thanh Hóa kiểm tra, rà soát, nâng cao chất lượng giáo dục

Thứ ba, 26/07/2016 17:40
Chuẩn bị đón năm học mới, để giải quyết dứt điểm tình trạng dôi dư giáo viên, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định thành lập 4 tổ kiểm tra, rà soát số học sinh, số trường, lớp và xác định số lượng người làm việc ở các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh năm học 2016-2017.

Theo đó, từ ngày 25 - 28/7, các tổ có trách nhiệm kiểm tra, rà soát, xác định chính xác số liệu về số trường, lớp, số học sinh, việc bố trí học sinh/lớp, giáo viên/lớp ở từng cấp học của các địa phương; trên cơ sở định mức quy định, số liệu thẩm tra để xác định cụ thể biên chế cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính năm học 2016- 2017. Tổ 1 do Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng làm tổ trưởng sẽ tổng hợp kết quả các tổ còn lại và đề xuất cụ thể biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo khối mầm non, tiểu học, trung học cơ sở năm học 2016- 2017 của các huyện, thị xã, thành phố, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. 

Để việc rà soát đạt được kết quả cao, Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa sẽ cung cấp cho thành viên các tổ kiểm tra các căn cứ pháp lý, các quy định của Trung ương, của tỉnh về Kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục, định mức số lượng người làm việc các cấp học; quy định sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học; các báo cáo rà soát thực trạng về trường, lớp học, học sinh, giáo viên trong năm 2016 và các quy định hiện hành của pháp luật liên quan. 

UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ về mức bình quân học sinh/lớp học và định mức biên chế cán bộ quản lý giáo viên, nhân viên hành chính trên địa bàn tỉnh để xác định cụ thể biên chế cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính đối với từng cấp học… 

Tại Thanh Hóa, tình trạng thừa giáo viên diễn ra nhiều năm nay gây khó khăn cho việc thực hiện chính sách giáo dục. Tuy nhiên, một số địa phương mặc dù giáo viên trong biên chế còn thừa nhưng vẫn tiếp tục ký hợp đồng tuyển dụng. 

Trước bài toán về giáo viên dôi dư, từ năm 2011, Thanh Hóa đã có những giải pháp về sắp xếp, bố trí, điều động cán bộ, giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu, giữa các trường trong xã và giữa các xã trong huyện; điều chuyển giáo viên THCS xuống dạy tiểu học, bố trí cho trung tâm học tập cộng đồng. Tuy nhiên, theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, việc điều chuyển giáo viên THCS xuống dạy tiểu học cũng gặp nhiều khó khăn, bất cập như giáo viên phải tập huấn về nội dung, phương pháp mới, tâm lý giáo viên không ổn định do phải dạy chéo môn, nhiều môn…, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục tiểu học của địa phương./. 





Khiếu Tư/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực