Thi THPT Quốc gia 2017: Nhiều thí sinh đánh giá đề Ngữ văn không khó

Thứ năm, 22/06/2017 14:55
(ĐCSVN) - Sáng 22/6, kết thúc môn thi đầu tiên Ngữ văn của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, nhiều thí sinh rời khỏi phòng thi với nét mặt khá thoải mái, phần vì thời gian làm bài thi năm nay ngắn hơn, phần vì đề thi khá “dễ thở”.

Đề thi THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn.

Đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn được ra theo cấu trúc gồm 2 phần: Phần Đọc hiểu (3 điểm) và Phần Làm văn (7 điểm). Tại điểm thi Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), nhiều thí sinh cho rằng đề thi năm nay hay, dễ triển khai làm bài vì đề thi đề cập đến sự thấu cảm và lòng yêu nước.

Thí sinh Nguyễn Thị Thùy Dung, lớp 12, Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) chia sẻ, đề thi Ngữ văn có cấu trúc khá giống với đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT. "Em thích phần Đọc hiểu hỏi “Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm? Vì sao?”, em cho rằng phải đặt mình vào hoàn cảnh của người ta thì mới có thể thấu hiểu được suy nghĩ, cảm xúc và hành động của người đó, rồi từ đó có thể bao dung, tha thứ người ta hơn” – Thùy Dung nói.

Cũng giống Thùy Dung, thí sinh Võ Thảo Hiền, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) khá hào hứng với đề thi năm nay. Thảo Hiền thích nhất câu 2 của phần Làm văn liên quan đến bài thơ "Đất nước" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Ở câu hỏi này vừa có tính thời sự, vừa có tính văn học khi nói về tình yêu quê hương, đất nước.

“Với câu hỏi này, thí sinh có nhiều “đất” để viết, thậm chí bạn nào cảm thụ văn tốt thì sẽ có thể viết rất hay và xúc động. Em tự tin mình có thể đạt 7 điểm trở lên” – Thảo Hiền chia sẻ.

Tại điểm thi THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, nhiều thí sinh tâm trạng khá vui vẻ vì kết thúc môn thi đầu tiên suôn sẻ. Em Phạm Tiến Dũng, Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) tự đánh giá bài thi ít nhất đạt 6 điểm trở lên. “Đề Ngữ văn năm nay bám sát chương trình học. Em thấy khó nhất là câu nghị luận văn học – Cảm nhận về đoạn thơ, từ đó bình luận quan niệm về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm. Còn thú vị nhất là câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh bày tỏ suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống”.

Tại điểm thi THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Nhận xét về đề thi năm nay, cô giáo Nguyễn Thị Xuân Mai, Tổ phó Tổ Ngữ văn Trường THPT Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cho rằng nội dung của đề thi đảm bảo trong chương trình Ngữ văn 12, không có tính chất đánh đố học sinh. Điều này khiến thí sinh an tâm với môn thi đầu tiên trong sáng ngày 22/6/2017.

Phần đọc hiểu khá hay với văn bản nhật dụng bàn về sự thấu cảm của con người trong cuộc sống, với bốn câu hỏi có tính chất phân hóa điểm rõ nét và có tính chất giáo dục đạo đức học sinh, phù hợp với tình hình xã hội khi nhiều hiện tượng vô cảm đang diễn ra.

Câu hỏi nghị luận xã hội rõ ràng “ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống”. Vấn đề nghị luận không quá khó với học sinh. Tuy nhiên, nếu học sinh không có khả năng phân tích từ ngữ sẽ khó có bài làm sắc sảo vì từ “thấu cảm” là ghép giữa 2 từ: thấu hiểu và cảm thông (đồng cảm). Rõ hai khái niệm ấy học sinh sẽ dễ bàn luận về ý nghĩa của sự thấu cảm và bài viết mới có thể sâu sắc.

Câu nghị luận văn học không khó, thuộc kiểu đề cảm nhận đoạn thơ trong một tác phẩm thơ quen thuộc của chương trình. Tuy nhiên dạng đề này chưa có tính phân loại cao đối tượng học sinh khá giỏi. Qua ba lần đề minh họa từ Bộ GD&ĐT đều thuộc dạng đề bàn luận về ý kiến văn học qua một tác phẩm. Vì thế dạng đề cảm nhận về đoạn thơ đơn giản gây bất ngờ với thí sinh. Như vậy với đề thi THPT Quốc gia 2017, điểm thi môn Ngữ văn có khả năng sẽ cao hơn năm 2016 vì trên tổng thể đề không quá khó.

Chiều nay (22/6), các thí sinh tiếp tục bước vào môn thi thứ 2 là môn Toán, theo hình thức trắc nghiệm, với thời gian làm bài thi 90 phút./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực