Tìm giải pháp phát triển bền vững nguồn nước và năng lượng trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Thứ sáu, 15/12/2017 01:03
(ĐCSVN) - Ngày 14/12, tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - VUSTA) tổ chức tọa đàm “Phát triển bền vững nguồn nước và năng lượng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long”.

TS. Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VUSTA phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Mai Đan

 Buổi tọa đàm nhằm tìm giải pháp và ý kiến  từ cộng đồng cho đảm bảo an ninh nguồn nước và thực hiện tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS. Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một khu vực trù phú, giàu tiềm năng và là trọng điểm kinh tế của đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. BĐKH và nước biển dâng diễn ra phức tạp và nhanh hơn các kịch bản dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào các nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa với cường độ cao ở nội vùng bộc lộ ngày càng gay gắt, gây nhiều hệ lụy như: ô nhiễm môi trường, suy giảm và mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng. Bởi vậy, cần phải có các giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng này.

Theo ông PGS. TS Lê Anh Tuấn, Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ, để thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, cần cân bằng an ninh nước, lương thực và năng lượng. Theo đó, làm sao tái sử dụng nước để giảm thiểu mâu thuẫn giữa sản xuất lương thực và năng lượng, vận hành đập bằng cách nào để phù hợp cho thủy sản vùng đất ngập nước, quản lý lưu vực như thế nào để hỗ trợ thủy điện và công nghệ xử lý nước để tăng hiệu quả về năng lượng. Chính vì vậy, Chính phủ cần xem xét lại điều chỉnh quy hoạch năng lượng của ĐBSCL trong quy hoạch tổng thể với quy hoạch nước và lương thực. Đồng thời, nên ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu năng lượng đồng thời không tác động tiêu cực tới an ninh nguồn nước.

Nhằm cân bằng an ninh nước – lương thực – năng lượng trong thích ứng với BĐKH ở ĐBSCL, PGS. TS. Lê Anh Tuấn đề xuất các chính sách: Áp dụng tiếp cận tổng thể trong quy hoạch tích hợp nước – lương thực – năng lượng nhằm tránh xung đột giữa các ngành; điều chỉnh quy hoạch năng lượng của ĐBSCL trong quy hoạch tổng thể với quy hoạch nước và lương thực; xem xét lại quy hoạch điện, giảm thiểu tỷ trọng nhiệt điện than, trước hết là ngừng xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than mới; ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu năng lượng đồng thời không tác động tiêu cực tới an ninh nguồn nước…

Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh an ninh nước tại ĐBSCL cần tính đến vấn đề lớn nhất là chất lượng nước mặt, bởi chất lượng nước mặt sẽ dẫn đến sự khai thác nước ngầm quá mức gây sụt giảm mực nước và sụt lún đất. Bên cạnh đó, cần thích ứng thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào thiên nhiên, chuyển từ tư duy tăng gia sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp và không xây thêm nhà máy nhiệt điện than. ../

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực