Tồn đọng gần 6.000 container phế liệu tại các cảng

Thứ tư, 18/07/2018 23:14
(ĐCSVN) – Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tính đến cuối tháng 6/2018, chỉ tính riêng các cảng tại TP.Hồ Chí Minh và Hải Phòng đã có gần 6.000 container phế liệu nhập khẩu tồn đọng.

 

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Hải quan)

Theo đó, tại khu vực TP.Hồ Chí Minh tồn đọng khoảng 4.480 container (riêng cảng Cát Lái là 3.464 container), trong số này có hơn 2.000 container tồn đọng trên 90 ngày. Tại Hải Phòng có khoảng 1.244 container rác tồn đọng, trong đó có 737 container tồn đọng trên 90 ngày.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, trong tháng 7/2018, các cảng biển sẽ kiểm đếm, phân loại xong số lượng các container thuộc diện “vô chủ” hay không. Sau khi xác định là vô chủ thì sẽ tiến hành đấu giá cho các doanh nghiệp chế biến rác thải trong nước xử lý nếu đây là hàng cho phép nhập. Nếu là hàng không được nhập sẽ yêu cầu tái xuất hoặc nhà nước buộc phải bỏ ngân sách tiêu huỷ.

Cũng theo ông Hoàng Văn Thức, hiện nay Việt Nam chưa có cơ chế phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ xa, từ ngoài biên giới; chỉ khi tàu cập cảng, hàng hóa được vận chuyển sắp xếp lên bờ mới làm thủ tục thông quan, mới kiểm tra giấy phép nhập khẩu phế liệu. Vì thế, các cơ quan  luôn bị động phải đối phó với những chủ tàu, chủ hàng cố tình vi phạm hoặc gian lận nhập phế liệu không đúng hoặc không có giấy phép vẫn nhập về.

Ông Hoàng Văn Thức cho hay, trước hiện tượng này, vào ngày 12/7, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức cuộc họp với sáu bộ ngành liên quan để xử lý vấn đề rác thải tồn đọng tại các cảng. Đồng thời, Bộ cũng tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện chính sách về quản lý phế liệu nhập khẩu nhằm đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, loại bỏ các phế liệu có khả năng gây ô nhiễm hoặc các phế liệu hiện nay trong nước đã chủ động nguồn cung; xử phạt nghiêm minh khi phát hiện có sai phạm, đặc biệt là đối với các vụ việc gian lận thương mại trong nhập khẩu phế liệu…

Với vấn đề đưa các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm vào danh mục kiểm soát môi trường đặc biệt, ông Hoàng Văn Thức cho biết đây là sáng kiến của Bộ TN&MT. Việc này được Bộ TN&MT đề xuất lên Chính phủ và giải pháp này sẽ giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước chủ động được việc kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm; đồng thời các doanh nghiệp tự hoàn thiện được công tác sản xuất gắn liền với bảo vệ môi trường./.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực