Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới: Đặt chất lượng lên hàng đầu

Thứ sáu, 05/01/2018 10:09
(ĐCSVN) - Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới đã quán triệt, dù Quốc hội ra Nghị quyết cho phép lùi thời gian triển khai chương trình mới tối đa là 2 năm với mỗi cấp học thì vẫn phải tích cực, gấp rút chuẩn bị; đồng thời luôn đặt vấn đề bảo đảm chất lượng lên hàng đầu.

GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: VA

Đó là chia sẻ của GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới về những công việc phải làm để đảm bảo đúng kế hoạch mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu - năm học 2019-2020 triển khai thực hiện chương trình, SGK mới đối với học sinh lớp 1 và các năm tiếp theo lần lượt là lớp 6 và lớp 10.

Nói về tiến độ triển khai cho đến thời điểm này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay, trong năm 2017, Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới đã hoàn thành Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân, đưa chương trình lên Cổng thông tin điện tử của Bộ và các phương tiện thông tin đại chúng để xin ý kiến nhân dân. Ban soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các tổ chức, cá nhân, hoàn thiện chương trình. Ngày 27/7/2017, chương trình đã được Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT thông qua.

Cũng trong năm 2017, Ban soạn thảo đã tiến hành biên soạn 18 chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Công việc này được bắt đầu ngay khi Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể với một số đề nghị điều chỉnh thuần túy về kỹ thuật. Đến hết tháng 7/2017, dự thảo đầu tiên của các chương trình môn học và hoạt động giáo dục đã hoàn thành. Hiện nay, các chương trình đang được biên tập kỹ thuật; dự kiến thời gian tới sẽ đưa lên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT và các phương tiện thông tin đại chúng để xin ý kiến nhân dân.

Đồng thời với việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hữu quan của Bộ hoàn thiện chuẩn cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, chuẩn giáo viên, chuẩn giảng viên sư phạm; xây dựng chương trình, kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất,… để bảo đảm thực hiện chương trình mới.

Giữa tháng 12/2017, Bộ đã triệu tập hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT để quán triệt nhiệm vụ và hướng dẫn kế hoạch triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Thêm nữa, Chính phủ cũng đã có kế hoạch làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về vấn đề này.

“Ba điểm mới nhất của chương trình giáo dục phổ thông mới lần này là: thực hiện dạy học phân hóa để phát huy tiềm năng, sở trường của người học; thực hiện dạy học tích hợp để gắn kết các lĩnh vực với nhau, gắn kết lý luận với thực tiễn; thực hiện dạy học thông qua hoạt động tích cực của người học để phát triển phẩm chất và năng lực một cách vững chắc. Nhìn chung, chương trình giáo dục phổ thông mới được giới chuyên môn và các tầng lớp nhân dân đánh giá tích cực. Hy vọng chương trình sẽ tạo ra được chuyển biến mới trong giáo dục”- GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.

3 điều kiện tiên quyết để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

Chia sẻ về những khó khăn, trăn trở, GS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ, để thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông mới, cần có 3 điều kiện tiên quyết, đó là: sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền; sự đồng thuận của xã hội; sự quyết tâm của các thầy cô giáo trong toàn ngành.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền từ trung ương đến địa phương là yếu tố quan trọng tạo sự đồng thuận xã hội. Việc gì cũng vậy, đồng thuận xã hội càng cao thì thành công càng lớn. Trong những năm chiến tranh gian khổ, dân ta đã có câu: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Sự đồng thuận của toàn dân đã đưa kháng chiến đến thắng lợi. Đồng thuận cũng sẽ đưa sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đến thành công.

Trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên là lực lượng nòng cốt. Các thầy cô có quyết tâm đổi mới thì quyết tâm của lãnh đạo mới biến thành hiện thực, sự đồng thuận của cộng đồng, xã hội mới được phát huy.

“Cùng với 3 điều kiện tiên quyết nói trên, tôi cũng mong các địa phương quan tâm khắc phục những hạn chế về cơ sở vật chất trường lớp, cụ thể là: bảo đảm để học sinh tiểu học được học ít nhất 6 buổi/tuần; bảo đảm sĩ số không vượt quá 35 học sinh/lớp ở tiểu học và 45 học sinh/lớp ở THCS, THPT; bố trí lớp học phù hợp với hình thức làm việc nhóm. Nếu còn để tình trạng học sinh trên lớp quá đông như một số trường ở đô thị thì đó sẽ là trở ngại rất lớn trong thực hiện chương trình mới”- GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ thêm.

Đề cập những công việc cụ thể năm 2018, GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay, trước hết phải tổ chức lấy ý kiến nhân dân về các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Sau đó, tổ chức hoàn thiện và thẩm định các chương trình này; thẩm định lại toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông và ký ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới. Tiếp theo, tổ chức biên soạn SGK, trước mắt tập trung vào lớp 1 để triển khai chậm nhất vào năm học 2020 – 2021 ở cấp tiểu học theo Nghị quyết số 51 ngày 21/11/2017 của Quốc hội.

Bên cạnh đó, phải tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên về chương trình mới, SGK mới. Đồng thời, phải đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình mới nhằm tăng cường sự đồng thuận trong và ngoài ngành.

“Ban soạn thảo chúng tôi đã quán triệt, dù Quốc hội ra Nghị quyết cho phép lùi thời gian triển khai chương trình mới tối đa là 2 năm với mỗi cấp học thì vẫn phải tích cực, gấp rút chuẩn bị; đồng thời đặt vấn đề bảo đảm chất lượng lên hàng đầu”- GS nhấn mạnh.

GS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ niềm tin tưởng, với sự chuẩn bị chu đáo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các địa phương, việc triển khai chương trình, SGK mới nhất định sẽ thành công./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực