Triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu

Thứ sáu, 18/08/2017 22:53
(ĐCSVN) - Ngày 18/8, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH) cho lãnh đạo các Sở và Văn phòng Ban chỉ đạo ứng phó với BĐKH của các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam.

 

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thanh

Hội nghị nhằm cung cấp các thông tin cập nhật về biến đổi khí hậu, tác động của biến đổi khí hậu đến khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long; việc triển khai Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris và xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung cụ thể thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ cũng như là chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với BĐKH và xây dựng Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris của các địa phương.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Thỏa thuận Paris về BĐKH đã được các quốc gia thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu ở Paris (COP-21) là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên quy định trách nhiệm ứng phó với BĐKH của tất cả các bên. Trọng tâm của Thỏa thuận Paris là đưa ra các quy định liên quan đến trách nhiệm xây dựng và thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định của mỗi bên tham gia Công ước Khí hậu.

Cho đến nay, Thỏa thuận đã được 195 nước ký, 159 nước phê chuẩn trong tổng số 197 bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về BĐKH. Thỏa thuận Paris đã chính thức có hiệu lực từ ngày 4/11/2016.

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do BĐKH, Việt Nam đã chủ động và tích cực xây dựng Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (viết tắt là INDC) của mình và đệ trình INDC lên Ban thư ký Công ước khung của Liên Hợp quốc về BĐKH vào tháng 9/2015.

Theo INDC của Việt Nam, “Đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế. Đồng thời, Việt Nam sẽ thực hiện nhiều hoạt động thích ứng giúp tăng khả năng chống chịu với BĐKH tạo điều kiện để có thể đóng góp nhiều hơn cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính”.

Bộ TN&MT cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch cụ thể triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ; chủ động lồng ghép các vấn đề ứng phó với BĐKH vào các dự án đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ TN&MT tổ chức hội nghị tập huấn tại ba miền Bắc, Trung, Nam nhằm triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục BĐKH, kế hoạch của Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH sẽ được  chia thành 2 giai đoạn. Trong đó,  giai đoạn 1 (2016 – 2020): tiếp tục  thực hiện các hoạt động ứng phó với BĐKH đã phê duyệt và chuẩn bị về thể chế chính sách và nguồn lực  để đến năm 2020 sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ do Thỏa thuận Paris quy định. Giai đoạn 2 (2021 – 2030): tập trung thực hiện các nội dung trong INDC và các nhiệm vụ mới  theo quy định của Thỏa thuận. Thực hiện Thỏa thuận Paris, Việt Nam sẽ triển khai 5 nhóm nhiệm vụ, 68 dự án  và 3 mức độ ưu tiên.

Tại hội nghị, các đại biểu  tập trung trao đổi, thảo luận các thông tin cập nhật về BĐKH, tác động của BĐKH đến các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam và đồng bằng sông Cửu Long; việc triển khai Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris và xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung cụ thể thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ./.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực