Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khai giảng năm học mới

Thứ năm, 24/08/2017 17:46
(ĐCSVN) - Ngày 24/8, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2017 – 2018 và chào đón 6.432 tân sinh viên nhập học. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đến dự buổi lễ.

Phát biểu tại buổi Lễ khai giảng, PGS.TS, Hiệu trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, năm học vừa qua, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp tục tiên phong trong triển khai các giải pháp đổi mới tuyển sinh, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Trong đó, hai kết quả nổi bật là chứng nhận kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn Châu Âu và kết quả tuyển sinh.

Năm học 2017-2018, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đón 6.432 tân sinh viên khóa 62 vào học tại các ngành, chuyên ngành của nhà trường. Năm học mới, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để cụ thể hóa 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp chủ yếu của ngành do Bộ GD&ĐT chỉ đạo. Phương hướng chung cho năm học mới là tập trung đổi mới và thực hiện mô hình quản trị tiên tiến, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ, xây dựng môi trường và văn hóa học đường, nâng cao chất lượng và hiệu quả các mặt hoạt động.

 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tặng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội
 bức tranh Khuê văn các trong lễ khai giảng. Ảnh: XT

Chia sẻ với các tân sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong ngày tựu trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã ôn lại thành tựu của nhà trường thông qua những gương mặt, những cái tên đã từng học tập dưới mái trường này hiện đang có những đóng góp lớn cho xã hội và truyền cảm hứng cho thế hệ hôm nay. Bộ trưởng tin rằng 6.432 em tân sinh viên đều là những người thông minh, nỗ lực để vào được một trường đại học mà nhiều người mơ ước.

Nhắn nhủ tới các tân sinh viên, Bộ trưởng mong rằng các em sẽ nỗ lực, phát huy hết tài năng, thế mạnh để bồi đắp cho mình những kiến thức chuyên môn nền tảng ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học. Tuy nhiên, các em cũng cần chú ý đến phát triển toàn diện các kỹ năng, để trong tương lai các em không chỉ trở thành những nhà khoa học, nhà kỹ thuật, công nghệ giỏi mà còn là những con người nhân văn.

“Mỗi người trong chúng ta đều có một lựa chọn của mình để phát triển và thầy tin các em biết lựa chọn những vấn đề gì để theo đuổi. Nhưng có một điều hết sức quan trọng, thầy khuyên các em trau dồi ngay từ thời sinh viên, đó là sự nhân văn và kỹ năng sống. Trong xu hướng cách mạng công nghệ thì robot có thể thay cho con người nhưng các em dứt khoát không thay robot. Các em có tình yêu, được học rất nhiều kỹ năng, kỹ năng ứng xử với nhau, kỹ năng hợp tác với nhau chứ không phải chuyên gia hoạch định công nghệ rồi suốt ngày ôm máy tính. Bên cạnh chuyên môn, các em có rất nhiều kinh nghiệm phải trau dồi, tìm hiểu, chia sẻ với nhau” - Bộ trưởng gửi gắm.

Bộ trưởng cũng đánh giá cao tinh thần nhân văn của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Mặc dù là trường danh tiếng về công nghệ, coi trọng công nghệ nhưng cũng rất coi trọng về nhân văn. Cách đây vài năm, có một em sinh viên học giỏi bị tai biến và trường Bách khoa vẫn sẵn sàng nhận em này, đó là một biểu hiện của tình yêu trong công nghệ.

Năm nay, trong số các tân sinh viên nhập học Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có em Đinh Phương Nam, mặc dù khuyết tật không đi lại được nhưng với ý chí và nghị lực phi thường, em đã trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Tại lễ khai giảng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã gửi lời động viên đến em và trao tặng một phần quà nhỏ với mong muốn, em sẽ tiếp tục nỗ lực trên những chặng đường tiếp theo.

Sau lễ khai giảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đại diện lãnh đạo các cục, vụ cơ quan Bộ đã có buổi làm việc với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội liên quan đến một số vấn đề về phương hướng phát triển nhà trường.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng ghi nhận, đánh giá cao Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã có bước thể hiện vị thế của mình trong các trường ĐH của Việt Nam, khắc phục những khó khăn để vươn lên xứng tầm với các trường ĐH trong khu vực.

Về hướng phát triển trong thời gian tới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gợi mở, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nên tham khảo, học hỏi mô hình trường ĐH tốt trên thế giới; có tư duy thực tế, tầm chiến lược; trên “lõi” là công nghệ để phát triển đa ngành, đa lĩnh vực. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò của nhóm nghiên cứu để từ đó tập hợp các nhà khoa học, xây dựng đội ngũ nghiên cứu kế tiếp, tạo thành một trường phái nghiên cứu.

“Chỉ khi có một thiết kế tốt mới đầu tư mạnh và phải xây dựng mục tiêu cụ thể; mục tiêu đầu tiên của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là quản trị nhà trường, cơ cấu lại, cấu trúc lại các phòng ban, chức năng, đưa ra yêu cầu cụ thể cho từng vị trí... Trong đó, việc cần làm ngay, làm đầu tiên là kiện toàn Hội đồng trường. Đó phải thực sự là Hội đồng tập trung trí tuệ với những con người giàu năng lực và tâm huyết, không phải hội đồng cơ cấu. Sau đó là kiến thức quản trị cho lãnh đạo nhà trường” - Bộ trưởng bày tỏ.

Cùng với đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ rõ Nhà trường phải quy hoạch ngành nghề, tính toán từng ngành, chuyên ngành, ngành nào mạnh, ngành nào chỉ vừa phải, ngành nào là thị trường, ngành nào là bảo tồn; hết sức coi trọng những ngành khoa học cơ bản. Mở ngành là phải đầu tư, không thể làm kiểu đầu voi đuôi chuột, tư duy “nhanh nhiều tốt rẻ”; đặc biệt chú trọng đầu tư ngành phục vụ cho cách mạng công nghiệp 4.0, tạo thương hiệu cho nhà trường./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực