Truyền thông nâng cao nhận thức DS-KHHGĐ để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân ở xã Thanh Đa

Thứ bảy, 09/12/2017 15:02
Truyền thông nâng cao nhận thức DS-KHHGĐ để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân (Ảnh minh họa)

(ĐCSVN) - Xác định công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội, luôn quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền về các mô hình, hoạt động nâng cao chất lượng Dân số, trong đó trọng tâm là tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân theo từng nhóm đối tượng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về DS-KHHGĐ.

Để thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ, ngay từ đầu năm 2007, Đảng ủy - UBND xã đã ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo. UBND xã đã ra quyết định giao chỉ tiêu công tác DS-KHHGĐ cho các thôn. Ban DS-KHHGĐ xã đã xây dựng kế hoạch hoạt động theo tháng, theo quý để phối hợp, lồng ghép trong các hoạt động của Đảng ủy, UBND, các tổ chức chính trị - xã hội và duy trì việc giao ban định kỳ hàng tháng, nhằm đánh giá kết quả đạt được trong tháng, trao đổi những thắc mắc của đối tượng, nhận tài liệu, sản phẩm truyền thông, tờ rơi và cấp, phát các phương tiện tránh thai phi lâm sàng cấp cho đối tượng kịp thời. Với trình độ dân trí không đồng đều nên nhận thức về công tác DS- KHHGĐ của xã còn nhiều hạn chế. Do đó, Ban DS-KHHGĐ xã Thanh Đa xác định công tác tuyên truyền là khâu quan trọng để từng bước thay đổi nhận thức của người dân. Ngoài truyền thông trực tiếp, Ban DS-KHHGĐ xã thường xuyên phối hợp với các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình.

Cộng tác viên DS-KHHGĐ phụ trách ở các thôn tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình bằng hình thức nói chuyện, trao đổi với phương châm “mưa dầm thấm lâu” nhằm từ đó thay đổi nhận thức, hành vi của người dân để từng bước nâng cao chất lượng dân số ở địa phương. Ngoài ra, Ban DS- KHHGĐ xã còn phối hợp với Trung tâm DS-KHHGĐ huyện tổ chức hội nghị truyền thông về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ, đồng thời tích cực phối hợp với đài truyền thanh  xã viết tin bài về công tác DS- KHHGĐ để phát thanh; tuyên truyền về chính sách dân số, các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ, tuyên truyền về chương trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ để nâng cao nhận thức của nhân dân về chính sách DS-KHHGĐ. Năm 2017, tổng số trẻ sinh ở xã là 99 trẻ, trong đó có 45 trẻ em nam và 54 trẻ em nữ. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 11,1%, giảm 0,7% so với năm 2016. Tỷ số giới tính khi sinh là 83 trẻ trai/100 trẻ gái. Thanh Đa là 1 trong những xã trong huyện thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động người dân không lựa chọn giới tính thai nhi.

Ngoài duy trì thường xuyên việc cấp phát, tiếp thị các phương tiện tránh thai cho các đối tượng vào các buổi chiều thứ 6 hàng tuần tại Trạm y tế, năm 2017, Ban DS-KHHGĐ xã phối hợp với Trạm y tế tổ chức chiến dịch truyền thông vận động lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ. Trước khi tổ chức chiến dịch việc tư vấn tại hộ gia đình được chú trọng, trong đó tập trung vào các cặp vợ chồng sinh con một bề là gái chưa chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai. Đài truyền thanh xã đã tăng số lượng tin bài, thời lượng phát sóng; các đồng chí cộng tác viên Dân số đã phối hợp với các chi hội phụ nữ trực tiếp đi vận động, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng đối tượng từ đó có biện pháp tuyên truyền thuyết phục các đối tượng thực hiện các biện pháp KHHGĐ.

Trạm y tế xã đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm y tế huyện huy động nhân lực đảm bảo thuận tiện an toàn, hiệu quả. Chỉ  tiêu về các biện pháp tránh thai đều đạt và vượt chỉ tiêu năm 2017. Cụ thể tổng số người thực hiện các biện pháp tránh thai là 288 người; trong đó bao cao su: 100 người, thuốc uống: 90 người, thuốc tiêm: 10 người và đặt dụng cụ tử cung: 88 người. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng dân số, Ban DS-KHHGĐ xã còn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và cấp, phát tờ rơi về sàng lọc khiếm thính và tim bẩm sinh; chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên; sàng lọc trước sinh, sơ sinh…

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được là điều kiện thuận lợi để Ban DS-KHHGĐ xã Thanh Đa tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền các chính sách về DS-KHHGĐ, qua đó từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thu Vân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực