Truyền thông xã hội góp phần giảm cầu tiêu thụ sừng tê giác

Thứ ba, 28/08/2018 17:36
(ĐCSVN) – Sáng kiến “Chí” hay “Sức tại Chí”, là một sáng kiến truyền thông xã hội giảm cầu tiêu thụ sừng tê giác thông qua các giải pháp truyền thông thay đổi hành vi nhằm thay đổi hành vi sử dụng sừng tê giác để thể hiện đẳng cấp xã hội của các nhóm người sử dụng.

Ngày 28/8, Chương trình Động vật hoang dã châu Á của cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã chính thức khởi động giai đoạn 3 của sáng kiến “Chí” với mục đích giảm nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam.

Tham dự Chương trình có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực bảo tồn, các doanh nhân và đông đảo giới truyền thông.


Quyền Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID)
tại Việt Nam Craig Hart phát biểu tại chương trình. Ảnh: HM

Quyền Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam Craig Hart cho biết: Nhu cầu sử dụng sừng tê giác tại các quốc gia châu Á trong đó có Việt Nam là nguyên nhân gia tăng tình trạng săn bắn trái phép tê giác tại châu Phi và đẩy nhiều phân loài tê giác đến nguy cơ tuyệt chủng. Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến dài trong nỗ lực ngăn chặn tội phạm động vật hoang dã, trong đó phải kể đến việc ban hành Bộ luật Hình sự với các quy định tăng nặng mức hình phạt đối với các hành vi sở hữu và buôn bán các loài động vật hoang dã và các sản phẩm từ chúng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang được xem là thị trường nóng trong việc trung chuyển và tiêu thụ sừng tê giác.

Sáng kiến “Chí” hay “Sức tại Chí”, là một sáng kiến truyền thông xã hội giảm cầu tiêu thụ sừng tê giác thông qua các giải pháp truyền thông thay đổi hành vi nhằm thay đổi hành vi sử dụng sừng tê giác để thể hiện đẳng cấp xã hội của các nhóm người sử dụng. Với hỗ trợ của Chương trình Động vật hoang dã châu Á của USAID, giai đoạn 3 của sáng kiến “Chí” sẽ tiếp tục góp phần giảm nhu cầu này thông qua các giải pháp truyền thông thay đổi hành vi dựa trên các nghiên cứu nhằm truyền thông giúp thay đổi hành vi của nhóm đối tượng mục tiêu.

Bà Sarah Ferguson, Trưởng Đại diện Tổ chức TRAFIC tại Việt Nam cho rằng, sự đồng hành của các đối tượng trong xã hội thời gian qua cho thấy sự đồng thuận ngày càng cao trong việc bảo vệ động vật hoang dã. “Với hỗ trợ của Chương trình Động vật hoang dã châu Á và sự cam kết mạnh mẽ của các đối tác Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và tìm kiếm những giải pháp truyền thông thay đổi hành vi sáng tạo hơn để tiếp tục giảm thiểu nhu cầu sử dụng động vật hoang dã tại Việt Nam”, bà Sarah Ferguson khẳng định.

Các đại biểu chia sẻ về những nỗ lực trong việc giảm cầu tiêu thụ trái phép
sản phẩm từ các loại động vật hoang dã tại Việt Nam. Ảnh: HM

Chương trình Động vật hoang dã châu Á của USAID hoạt động với mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng các bộ phận và sản phẩm từ động vật hoang dã; tăng cường năng lực thực thi pháp luật; nâng cao kiến thức luật pháp và các nghiên cứu về luật; cũng như đẩy mạnh hợp tác khu vực nhằm giảm bớt tội phạm buôn bán động vật hoang dã tại Đông Nam Á, cụ thể là tại các quốc gia Campuchia, Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Các hoạt động của Chương trình Động vật hoang dã châu Á của ASAID tập trung vào 4 loại động vật hoang dã gồm voi, tê giác, hổ và tê tê./.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực