Ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo bền vững và an ninh

Thứ sáu, 09/11/2018 22:02
(ĐCSVN) - Diễn đàn Hà Nội là một sáng kiến của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), ra đời với mục đích đóng góp vào nỗ lực toàn cầu trong việc thực thi các nội dung về mục tiêu phát triển bền vững thông qua nghiên cứu khoa học, công nghệ và trao đổi học thuật quốc tế.

Chiều 9/11, tại Hà Nội, Diễn đàn Hà Nội năm 2018 với chủ đề “Hướng đến phát triển bền vững - Ứng phó biến đổi khí hậu để đảm bảo bền vững và an ninh” đã chính thức khai mạc với sự tham gia của gần 500 đại biểu là lãnh đạo, cựu lãnh đạo của các quốc gia, lãnh đạo tập đoàn và các tổ chức quốc tế, học giả, nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới và trong nước.

Cùng với Quỹ Giáo dục cao học Hàn Quốc, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) và các cơ quan liên quan như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND Thành phố Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Diễn đàn Hà Nội 2018 khuyến khích những nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực, kết hợp khoa học - công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Diễn đàn Hà Nội 2018 là một minh chứng rõ nét cho sự đồng hành của ĐHQGHN cùng với Chính phủ Việt Nam, cộng đồng quốc tế và các bên liên quan để giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, thực hiện chương trình hành động quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu để phát triển bền vững. Các báo cáo trình bày tại Diễn đàn sẽ cung cấp các cơ sở  cho báo cáo của Việt Nam tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu 2018 (COP24) sẽ diễn ra tại Ba Lan vào đầu tháng 12 tới đây.

Đồng thời, những khuyến nghị chính sách về ứng phó biến đổi khí hậu hướng đến phát triển bền vững các đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu, thiên tai ở đồng bằng sông Hồng và phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu sẽ góp phần thực hiện các nghị quyết Trung ương về quản lý tài nguyên và môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và phát triển bền vững.

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Phiên khai mạc. (Ảnh: VA)

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, với vị trí một đại học lớn hàng đầu Việt Nam, ĐHQGHN có sứ mệnh đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề lớn của quốc gia và luôn đồng hành cùng các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững thông qua các hoạt động tư vấn chính sách, nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chúng tôi cho rằng, các mục tiêu phát triển bền vững chỉ có thể đạt được khi có sự cộng hưởng sức mạnh của tất cả các bên liên quan: chính phủ, tổ chức quốc tế, đại học, doanh nghiệp... cho đến từng người dân. Sự tham gia, đóng góp và cộng hưởng của các bên liên quan sẽ giúp rút ngắn khoảng cách tới các mục tiêu phát triển bền vững và sẽ không để ai bị bỏ lại phía sau.

Ông Nguyễn Kim Sơn cho biết thêm, chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua tại kỳ họp lần thứ 70 vào năm 2015 là một kế hoạch hành động vì con người, hành tinh và sự thịnh vượng. 17 mục tiêu chung phát triển bền vững và 169 mục tiêu cụ thể được thông qua nhằm đảm bảo cho quá trình hội nhập và liên kết giữa các quốc gia, vì lợi ích chung của mọi người dân, cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Kể từ khi Chương trình được thông qua, thế giới đã chứng kiến sự phát triển vươn lên ngoạn mục của nhiều quốc gia song hành với sự cải thiện đáng kể chất lượng sống của hàng tỷ người dân. Cùng với sự phát triển thần kỳ về kinh tế và khoa học công nghệ, nhân loại cũng đang phải đối diện với cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có về biến đổi khí hậu cùng các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng phủ khắp với những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, đe dọa an ninh và phát triển bền vững của toàn thể nhân loại.

Trong phiên toàn thể, các đại biểu được nghe báo cáo tham luận từ các chính khách, nhà quản lý, các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới và ở Việt Nam. Nguyên Thủ tướng New Zealand, nguyên Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), bà Helen Elizabeth Clark đã chia sẻ về giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu một cách nhân văn, hài hòa giữa giải pháp quốc tế và địa phương.

Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), ông Youba Sokona, trình bày báo cáo về sự kết nối và thống nhất trên toàn cầu, liên quốc gia về chiến lược giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, vai trò quan trọng của ứng phó biến đổi khí hậu với phát triển bền vững.

Liên quan đến khu vực Đông Nam Á, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Stephen P.Groff trình bày báo cáo về các điểm nóng môi trường cũng như định hướng phát triển đô thị thông minh, các-bon thấp, hạ tầng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Sau phiên toàn thể, 5 tiểu ban chuyên môn của Diễn đàn sẽ thảo luận về 5 vấn đề: Bằng chứng về biến đổi khí hậu và an ninh; tác động của con người lên biến đổi khí hậu; ứng phó với biến đổi khí hậu; chính sách và quản trị về ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; khoa học, công nghệ và giáo dục về ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đồng thời, Diễn đàn còn có hai phiên đối thoại chính sách về phát triển bền vững đô thị có tính chống chịu cao, ở Đồng bằng sông Hồng và phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Diễn đàn Hà Nội bế mạc vào chiều 10/11./.

Việt Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực