Ứng phó với hạn, mặn tại đồng bằng sông Cửu Long

Thứ tư, 11/03/2020 15:50
(ĐCSVN) - Tình hình hạn, mặn gay gắt tại nhiều tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Các chuyên gia cho rằng, cần dự báo, tính toán tính cực đoan của thời tiết, trên cơ sở đó xây dựng chiến lược lâu dài ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tính đến nay đã có 5 tỉnh ở ĐBSCL công bố tình huống khẩn cấp về hạn hán và xâm nhập mặn gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang và Cà Mau. Tình hình hạn, mặn đã được cảnh báo từ tháng 9/ 2019.

 
 Tình hình hạn, mặn tại ĐBSCL diễn ra gay gắt ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân

Đầu tư hệ thống mô hình thủy văn, thủy lực, nâng cao tính chính xác trong dự báo

TS Tô Văn Trường - Chuyên gia tài nguyên nước và môi trường khẳng định, một trong những giải pháp lâu dài để có thể ứng phó với tình hình hạn, mặn tại ĐBSCL là việc dự báo về khí tượng thủy văn chính xác rất quan trọng, bởi từ dự báo, chúng ta có thể chủ động bố trí, chuyển đổi cơ cấu thời vụ. Vì vậy, việc đầu tư vào hệ thống mô hình thủy văn, thủy lực là một trong những việc cần làm để nâng cao tính chính xác của công tác dự báo.

Minh chứng rõ nét nhất là nhờ công tác dự báo sớm về tình hình hạn mặn do thời tiết và tác động của đập thủy điện ở thượng lưu nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị đến Chính phủ chỉ đạo các địa phương trong khu vực xuống giống lúa Đông Xuân sớm hơn 1 tháng, tích cực trữ nước ngọt trên kênh rạch, giảm bớt diện tích lúa ở nơi bấp bênh về nguồn nước ngọt, đẩy mạnh hoàn thành một loạt các cống kiểm soát mặn, ngọt. Nhờ vậy, theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thiệt hại về sản xuất nông nghiệp chỉ bằng 1/10 so với năm 2016 (năm hạn lịch sử).

Cũng theo TS Tô Văn Trường, ngoài việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho bà con ở vùng ĐBSCL thì người nông dân cần Nhà nước hỗ trợ một cách khoa học để chỉ ra vùng ranh giữa mặn và ngọt, vùng có rủi ro trong những năm mặn lên cao, nhưng những năm bình thường thì cây ăn trái lại cho hiệu quả cao. Điều này đòi hỏi chính quyền cùng với các nhà khoa học, công cụ khoa học giúp người dân tính toán thời điểm trữ nước đúng lúc.

“Mặt khác, chính quyền địa phương cũng nên xem xét liệu các ô bao găn mặn giữ ngọt hạ lưu có làm gia tăng mặn lên thượng lưu không? Về lý thuyết là có nhưng phải tính toán mới biết nó ảnh hưởng như thế nào” - ông Trường nhấn mạnh.

 
 Ông Thiện cho rằng, người dân phải thích ứng với hạn mặn. Trong đó, phải phân biệt năm cực đoan và phi cực đoan, bám sát hướng dẫn của các cơ quan liên quan để có phương án để ứng phó tình huống.

“Né” hạn, mặn để sống khỏe

Th.s Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL cho biết: Mùa khô 2016, ĐBSCL đã trải qua một mùa hạn mặn gay gắt, năm nay lặp lại một lần nữa, nhưng cần phân biệt năm cực đoan và tình hình chung là không nên vội vã “bi đát hóa” rằng, ĐBSCL ngày càng cạn kiệt nguồn nước và cho rằng đây là tình chung trong tương lai rồi hốt hoảng. Ngược lại, chúng ta cần tính toán tính cực đoan của thời tiết của năm 2016 và năm 2020 làm chuẩn cho việc xây dựng chiến lược lâu dài ứng phó trong bối cảnh biến đổi khí hậu, những sự kiện cực đoan sẽ diễn ra với tần suất cao hơn.

Ông Thiện cho rằng, người dân phải thích ứng với hạn, mặn; trong đó, phải phân biệt năm cực đoan và phi cực đoan. Năm cực đoan nên có phương án để ứng phó tình huống.

“Bình thường hết năm cực đoan là trở lại những năm phi cực đoan. Chiến lược năm nay vẫn là né hạn, mặn. Bởi thực tế, hạn, mặn mùa khô có thể dự báo trước đó 6 tháng, không phải bất ngờ, vì thế việc chúng ta chủ động dự báo và “né” là hoàn toàn hợp lý. Và năm 2020, chúng ta phải dành lời khen cho Ngành Nông nghiệp, bởi nhờ có dự báo sớm và khuyến cáo bà con xuống giống sớm, nên dù tình hình thời tiết gay gắt hơn nhưng việc né vụ đã tránh được thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp” - ông Thiện chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Việc chủ động trữ nước ngọt sinh hoạt của người dân vùng hạn, mặn rất quan trọng (Ảnh: Thanh Tùng/vietnamnet.vn)

Về phương án lâu dài, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cho rằng: Vấn đề cần ưu tiên giải quyết là nước sinh hoạt cho người dân vùng ven biển, trong đó phải tách bạch giữa nước sinh hoạt và nước cho sản xuất.

“Chúng ta không nên lẫn lộn, nhập chung nhu cầu nước sinh hoạt và nước sản xuất rồi từ đó, vì cái này mà làm cái kia. Công trình ngăn mặn để phục vụ sản xuất như trước nay không phục vụ cho nước sinh hoạt được vì các công trình làm nước tù đọng, tích tụ ô nhiễm trầm trọng sông ngòi cả vùng, khó sử dụng cho sinh hoạt được mà vẫn phải sử dụng nước ngầm gây sụt lún đất.

Nước sinh hoạt chất lượng phải khác nước cho sản xuất. Nếu tách bạch ra khỏi nước sản xuất thì nhu cầu nước sinh hoạt nhỏ hơn nhiều, dễ giải quyết hơn khi nhập chung” - ông Thiện nêu rõ.

Tuy nhiên theo ông Thiện, chìa khóa trung tâm của vấn đề ĐBSCL là chuyển hóa nền nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ, đó là chuyển từ nông nghiệp thuần túy, chạy theo số lượng sang nông nghiệp công nghệ, số lượng ít nhưng giá trị cao, đa dạng hơn.

Bên cạnh đó, cần giảm bớt một vụ lúa ở vùng đầu nguồn để hấp thu nước lũ, kèm theo là phù sa và tôm cá, vào ruộng đồng để cải thiện đất đai, tăng lượng nước để cân bằng mặn-ngọt trong mùa khô. Với vùng ven biển thì nên chuyển dần sang canh tác theo mặn theo mùa, phù hợp với quy luật thiên nhiên. Song song đó, cần tăng cường các giải pháp về nước sinh hoạt.

Để chuyển đổi được thì Chính phủ cần có một chương trình chuyển hóa nền nông nghiệp, giúp người dân về mặt tổ chức, kỹ thuật, tài chính, chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chuỗi giá trị, tìm kiếm thị trường cao cấp hơn. Thị trường trong nước bây giờ cũng đòi hỏi chất lượng sản phẩm nông nghiệp cao hơn. Chương trình hỗ trợ này của Chính phủ là rất cần thiết vì dù người dân sáng tạo, giàu ý tưởng nhưng thiếu nguồn lực, đặc biệt là các nông hộ nhỏ lẻ. “Hiểu và thích ứng với quy luật tự nhiên thì chúng ta đỡ tốn sức, loay hoay chống lũ, chống hạn, mặn, mà lại còn tận dụng được cơ hội trong đó” - chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện khẳng định.

Ông Thiện cũng cảnh báo, hiện bên cạnh việc xâm nhập mặn thì sạt lở là một trong những vấn đề nghiêm trọng tại khu vực ĐBSCL. Vì vậy, cùng với việc chống xâm nhập mặn, cũng không thể không quan tâm đến công tác phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông./.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực