Ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu

Thứ sáu, 21/10/2016 09:57
(ĐCSVN) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) và hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khiến thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp. Một trong những hiện tượng thiên tai phổ biến ở Việt Nam là bão và áp thấp nhiệt đới. Bão hoạt động nhiều nhất về số lượng và mạnh nhất về cường độ, tập trung ở vùng biển Bắc Bộ, đặc biệt laf khu vực từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa.

 

Bão, lũ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của cộng đồng.
(Ảnh minh họa: Bích Liên)

Thiên tai triền miên

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, giai đoạn 2011 - 2015, thiên tai tuy xảy ra ít về số lượng nhưng cường độ tác động một số đợt lại ở mức cao kỉ lục. Nắng nóng gay gắt với nền nhiệt cao kéo dài kỉ lục xảy ra trên diện rộng từ Bắc bộ đến các tỉnh Nam Trung bộ. Mưa đặc biệt lớn tại Quảng Ninh; sạt lở đất, bờ sông, bờ biển xảy ra nhiều nơi; xâm nhập mặn xảy ra sớm hơn và lấn sâu vào đất liền; tình trạng cạn kiệt nguồn nước trên các dòng sông ngày càng phổ biến, đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng nước mặt, môi trường đất và các vấn đề vệ sinh môi trường.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thiên tai là một trong những thách thức lớn đối với phát triển, nhất là dưới tác động của biến đổi khí hậu. Thực tế cho thấy, mức độ tàn phá của thiên tai, đặc biệt như: Bão, lũ và sạt lở đất là rất lớn, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản và gây suy thoái môi trường.

Trong 5 năm qua, thiên tai đã làm cho 1.141 người chết và mất tích, gây ra thiệt hại về tài sản, ước tính khoảng 55.400 tỷ đồng, tuy có giảm so với giai đoạn 2006 - 2010, nhưng vẫn còn rất cao (thiệt hại trong giai đoạn 2006 - 2010: 2.408 người chết và mất tích, thiệt hại 77.200 tỷ đồng).

Đặc biệt, trận lũ lịch sử giữa tháng 10/2016 vừa đi qua khiến bao thôn, xóm trên khắp Quảng Bình “oằn mình” gánh chịu những đau thương, mất mát nặng nề về cả con người lẫn vật chất.

Bên cạnh tác động về kinh tế - xã hội và thiệt hại về sinh mạng con người do thiên tai, môi trường sau bão, lũ bị suy thoái nghiêm trọng, điển hình là ô nhiễm nguồn nước mặt làm gia tăng bệnh tật hay suy thoái môi trường đất do xói lở, trượt lở đất,... Nước lũ, lũ quét cuốn theo và hòa tan nhiều chất bẩn tích tụ trong suốt những tháng mùa khô hay các chất thải, các chất nguy hại từ các bãi thu gom, tập kết và xử lý chất thải rắn (CTR); công trình xử lý nước thải, hệ thống thoát nước thải bị phá hủy từ các kho chứa hóa chất, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật,... làm nguồn nước mặt tại các khu vực bão, lũ có chứa hàm lượng các vi sinh vật gây bệnh rất cao, các loại hóa chất gây độc cho môi trường...  có khả năng phát tán, lan truyền trên diện tích rộng lớn.

Sự gia tăng bệnh tật dưới tác động của sự thay đổi nhiệt độ và môi trường sống do môi trường bị ô nhiễm, thiếu điều kiện sinh hoạt đảm bảo vệ sinh có nguy cơ gia tăng sau những vụ thiên tai thường xuất hiện các dịch bệnh như: Sốt rét, sốt xuất huyết (do muỗi), viêm não, qua môi trường nước (các bệnh đường ruột) và các bệnh khác (suy dinh dưỡng, bệnh về phổi…).

Mưa lớn, lũ quét cũng làm gia tăng tình trạng xói mòn, rửa trôi đất, ngập úng, trượt đất và sạt lở đất, tạo hố tử thần,... làm suy thoái môi trường đất. Sự suy thoái môi trường đất kéo theo sự suy thoái các quần thể động, thực vật và chiều hướng giảm diện tích đất nông nghiệp trên đầu người.

Trước thiệt hại của thiên tai, có một số biện pháp thích ứng để ứng phó như: Thay đổi mùa vụ, lựa chọn giống vật nuôi, cây trồng thích hợp; hạn chế cũng như tận dụng những ảnh hưởng tích cực (như lượng phù sa lớn, lượng hải sản dồi dào sau mùa lũ). Tuy nhiên, các biện pháp này cho đến nay chưa được quan tâm và đầu tư nghiên cứu đúng mức; giải pháp “sống chung với lũ” ở đồng bằng sông Cửu Long chưa được phát huy đầy đủ. Hậu quả là con người vẫn phải hứng chịu thiệt hại do thiên tai hằng năm.

Ưu tiên nguồn lực ứng phó với thiên tai và BĐKH

Theo các chuyên gia môi trường, Việt Nam có lịch sử lâu dài đối phó với thiên tai và có nhiều biện pháp ứng phó khi có thiên tai xảy ra. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, BĐKH khiến nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 0,1C/ thập kỷ. Mực nước biển dâng cao. Lượng mưa tăng vào mùa mưa gây nên lũ lớn đặc biệt và giảm vào mùa khô gây nên hạn hán. Tần suất thiên tai ngày càng cao đã gây nhiều thiệt hại cho nhiều vùng ở Việt Nam.

BĐKH còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của dân cư sống tai các vùng ven biển Việt Nam. Hơn nữa, thời tiết khắc nghiệt và tăng tần suất, tăng cường độ thiên tai như bão và lũ lụt sẽ đe dọa tính mạng người dân và có thể dẫn đến nhiều tử vong hơn nếu không áp dụng các biện pháp giảm thiểu và thích ứng quan trọng.

Nhìn nhận về mức độ nguy hiểm của thiên tai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, tại Việt Nam, diễn biến BĐKH ngày càng có tác động vượt xa so với dự báo.Bởi vậy, công tác phòng chống thiên tai và ứng phó với BĐKH trong giai đoạn tới sẽ phải mang tính hành động cao, giải quyết được ngay những vấn đề bức xúc, cấp thiết trong thực tiễn, đồng thời đảm bảo tính bền vững...

Đặc biệt, phải ưu tiên nguồn lực đầu tư ứng phó với BĐKH, trọng tâm là trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển, tạo đê mềm chắn sóng, tăng cường khả năng hấp thụ CO2 và tạo sinh kế bền vững cho người dân; trồng, phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn; xây dựng, triển khai các dự án giảm phát thải khí nhà kính…

Tại cuộc họp lần thứ 7 của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: BĐKH là một thách thức lớn đối với nước ta; yêu cầu các cấp, các ngành phải thông tin để nhân dân thấy rõ mức độ cực đoan của BĐKH và quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về ứng phó với BĐKH. 

Thủ tướng yêu cầu triển khai hiệu quả chương trình ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh; nâng cao công tác dự báo; bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn, rừng ven biển, đẩy mạnh sử dụng năng lượng sạch, tái tạo; chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong việc triển khai các chương trình ứng phó BĐKH./.

 

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực