Vận dụng sáng tạo tư tưởng của Hồ Chí Minh về giáo dục

Thứ ba, 19/05/2020 16:24
(ĐCSVN) - Hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục” là dịp để ngành Giáo dục ôn lại và khắc ghi những lời căn dặn đầy tâm huyết và ân tình Bác đã dành cho ngành, tiếp tục khẳng định những giá trị to lớn lời dặn của Người với sự nghiệp giáo dục, cụ thể hóa các lời dạy của Bác vào công tác giáo dục, đào tạo.
 Các đồng chí chủ trì Hội thảo

Ngày 19/5, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục”. PGS.TS. Nguyễn Hữu Độ, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS. Lưu Văn An, Phó Giám đốc Phụ trách Học viện Báo chí và Tuyên truyền và đồng chí Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chủ trì Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức đúng vào ngày 19/5 - kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), là dịp để ngành Giáo dục ôn lại và khắc ghi những lời căn dặn đầy tâm huyết và ân tình Bác đã dành cho ngành, tiếp tục khẳng định những giá trị to lớn lời dặn của Người với sự nghiệp giáo dục, cụ thể hóa các lời dạy của Bác vào công tác giáo dục, đào tạo.

Nguồn: VTV 

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Lưu Văn An, Phó Giám đốc Phụ trách Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người thầy vĩ đại, người tổ chức lãnh đạo cách mạng Việt Nam, mà còn là nhà giáo dục lớn, khai sinh ra nền giáo dục cách mạng nước ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục là một vấn đề rộng lớn, mang tính bao quát, từ vai trò, đối tượng, mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, phương pháp giáo dục cho đến tổ chức, quản lý, xây dựng đội ngũ, chủ trương, chính sách đối với giáo dục - đào tạo. Sự cống hiến của Người đối với sự nghiệp giáo dục là vô cùng to lớn, mở ra những thành tựu và vinh quang cho nền giáo dục Việt Nam.

Trong quá trình tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người đã từng trải qua những năm tháng giáo dục thế hệ trẻ và trực tiếp tổ chức công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ cách mạng. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh có những quan điểm rất toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của giáo dục Việt Nam. Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ cực kỳ trọng đại là nâng cao dân đức, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, là động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Đặc biệt, Người luôn chỉ đạo Đảng và Nhà nước ta quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo con nguời, đồng thời giao nhiệm vụ cho ngành giáo dục, trực tiếp là các nhà giáo đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho Nhà nước.

 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội thảo

Tham luận của các nhà khoa học, sinh viên cùng các ý kiến phát biểu, thảo luận tại Hội thảo đã tập trung làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục Việt Nam, là nền tảng trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay. Đây chính là những luận cứ khoa học, nguồn tư liệu quý báu để toàn ngành Giáo dục nghiên cứu, vận dụng trong học tập, nghiên cứu, giảng dạy và trong công tác quản lý giáo dục.

Đặc biệt, các tham luận đã tập trung đi sâu, làm rõ những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, triết lý của Hồ Chí Minh về giáo dục; những cống hiến, đóng góp to lớn của Người đối với quá trình xây dựng, phát triển nền giáo dục Việt Nam; sự vận dụng, phát triển tư tưởng, triết lý giáo dục Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng, phát triển nền giáo dục Việt Nam qua các giai đoạn khác nhau; vai trò, ý nghĩa của tư tưởng, triết lý giáo dục Hồ Chí Minh trong quá trình đổi mới giáo dục hiện nay; những thành tựu nổi bật của nền giáo dục Việt Nam trong quá trình vận dụng, thực hiện tư tưởng, chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về giáo dục.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật của cán bộ, giảng viên, sinh viên với các nhà khoa học; để các nhà khoa học chia sẻ những luận điểm có giá trị khoa học, có những nhận thức và đóng góp mới về tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giáo dục của nước ta. Là dịp mà toàn thể thầy giáo, cô giáo và học sinh, sinh viên ôn lại và khắc ghi những lời căn dặn đầy tâm huyết, ân tình mà Bác đã dành cho chúng ta. Đây cũng là dịp để ngành Giáo dục nhìn lại những gì đã làm được, sẽ phấn đấu như thế nào để đền đáp lại những mong muốn lớn lao của Bác.

Trong thời đại khoa học - công nghệ đang phát triển như vũ bão, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã bắt đầu, quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, nhân loại đang bước vào nền kinh tế tri thức, xã hội thông tin... mang đến cả những cơ hội và thách thức lớn đối với quá trình phát triển đất nước nói chung, phát triển giáo dục nói riêng. Do đó, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn đang đòi hỏi nền giáo dục Việt Nam hiện nay phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, để có những con người thật sự giỏi, năng động và sáng tạo, trách nhiệm của những người thầy lại càng cao, nhiệm vụ càng nặng nề, khó khăn, phức tạp hơn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định, đồng thời cho biết, để quá trình đổi mới giáo dục Việt Nam hiện nay đi đến thành công, đúng định hướng, đòi hỏi chúng ta phải tuân theo những chỉ dẫn và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Hồ Chí Minh về giáo dục.  

Các đại biểu dâng hoa tại Phòng truyền thống của Học viện 

Trước khi diễn ra Hội thảo, các đại biểu tham dự đã tổ chức dâng hoa tại Phòng truyền thống của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến công lao và đức hi sinh quên mình vì dân, vì nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng loài người./.

ĐP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực