Vệ sinh yêu nước góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân

Thứ hai, 24/09/2018 10:42
(ĐCSVN) - Phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” phát động từ năm 2012 trên quy mô quốc gia nhằm huy động các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tích cực làm tốt hơn nữa công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, phòng chống dịch bệnh,...

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ có nhiều cống hiến vĩ đại trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội… Riêng trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, Bác đã có nhiều bài nói, bài viết về công tác y tế, trong đó có nhiều bài viết về vấn đề vệ sinh phòng bệnh. Bác coi đây là một trong những công việc quan trọng nhất trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đưa vấn đề vệ sinh phòng bệnh vào Phong trào “Vệ sinh yêu nước”. Đặc biệt, ngày 02/7/1958, Bác Hồ đã có bài viết về “Vệ sinh yêu nước” đăng trên báo Nhân dân số 1572, kêu gọi toàn thể người dân tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh phòng bệnh.

Trên nền tảng tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, sự tham gia tích cực và có hiệu quả của ngành Y tế cùng các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân, công tác vệ sinh phòng bệnh đã được triển khai sâu rộng tới tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó, 47/63 tỉnh, thành (đạt 74,6%) đã triển khai phong trào xuống tới cấp thôn/bản/ấp.

Toàn dân vào cuộc

Ngày 1/7/2012, “Lễ phát động phong trào Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân”, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ về “Vệ sinh yêu nước” được Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành tổ chức tại Hải Dương, với sự tham gia của gần 3.000 người. Cho đến nay, Bộ Y tế  đã phối hợp với các bộ, ban, ngành và Ban Tuyên giáo Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên Công sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tổ chức 16 buổi mít tinh lớn phát động hưởng ứng phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân với các chủ đề khác nhau về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và lãnh đạo các Bộ, ngành thực hiện nghi thức 
rửa tay sạch với xà phòng tại buổi Lễ. Ảnh: ĐT/dangcongsan.vn

Trong 5 năm (2012-2016), hơn 100 buổi mít tinh đã được tổ chức tại 63 tỉnh/thành phố nhằm hưởng ứng Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân với các chủ đề như: Cộng đồng chung tay xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; Vệ sinh là yêu nước; Chung tay phòng chống dịch bệnh nâng cao sức khỏe nhân dân; Hành trình triệu bàn tay sạch hưởng ứng “Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”. 9.042 lớp, hội nghị tập huấn về công tác giám sát chất lượng nước cho các cơ sở cấp nước sinh hoạt nông thôn, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho tuyến xã, về đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại cộng đồng và các bếp ăn tập thể, bán trú; kỹ thuật xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh tại tuyến xã… đã được tổ chức, thu hút 497.231 người tham gia.

Để phong trào đi vào thực chất, nhiều mô hình đã được triển khai xây dựng, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực tại nhiều địa phương, đơn vị trong cả nước. Trong đó, đáng chú ý như mô hình vệ sinh môi trường nông thôn hưởng ứng phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai tại các tỉnh Lào Cai, Hải Dương, Nam Định, Hưng Yên, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Trà Vinh, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau; mô hình bảo đảm vệ sinh môi trường Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ); mô hình vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ; mô hình tiếp thị vệ sinh; mô hình cộng đồng công nhận chấm dứt đi tiểu bừa bãi; mô hình cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp…

Cùng với đó, các buổi nói chuyện, thảo luận nhóm tại cộng đồng về việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, thường xuyên rửa tay với xà phòng, về vệ sinh an toàn thực phẩm; Tổ chức các cuộc thi, tìm hiểu về vệ sinh an toàn thực phẩm; Thăm, tư vấn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho các hộ gia đình... cũng được triển khai rộng khắp, góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức của người dân trong cải thiện môi trường sống, phòng chống dịch bệnh.

Công tác tuyên truyền còn được đẩy mạnh thông qua hình thức treo băng rôn, áp phích, khẩu hiệu, phát tờ rơi về chủ đề vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân tại các nơi công cộng, các tuyến đường chính, tại trụ sở cơ quan. Mở phát các phóng sự trên sóng Đài truyền hình trung ương, các đài địa phương, trên hệ thống phát thanh truyền thanh xã tuyên truyền,... nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh tại hộ gia đình và nơi công cộng, thường xuyên rửa tay với xà phòng để phòng chống dịch bệnh..

Những phong trào, phương thức truyền thông phong phú nêu trên đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa của vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, phòng chống dịch bệnh...Từ đó, tác động tích cực đến việc khống chế dịch bệnh, cải thiện môi trường sống, góp phần làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Sức khỏe, môi trường sống được cải thiện

Sau 5 triển khai, Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân đã góp phần làm chuyển biến về nhận thức và thay đổi hành vi về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng chống dịch bệnh và đặc biệt là tăng tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh. Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến tháng 12/2016, cả nước đã có 86% người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 67% số hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh. Trong đó, Đồng Tháp, Tây Ninh, Đắk Nông, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Phúc, Hòa Bình là những địa phương đạt kết quả tốt trong việc nâng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Đặc biệt mỗi năm, tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh ở các tỉnh, thành tăng lên từ 2-3%.

Mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh. Nguồn: Bộ Y tế

Tỷ lệ trạm y tế (TYT) có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, được quản lý và sử dụng tốt cũng tăng từ 84,2% năm 2012 lên 94% năm 2016. Chất lượng nhà tiêu của TYT dần được cải thiện tại hầu hết các tỉnh. Điển hình là hai tỉnh Đắk Nông và Lạng Sơn, mặc dù xuất phát từ thực trạng khá khiêm tốn, năm 2012 lần lượt tỷ lệ TYT có nhà tiêu hợp vệ sinh là: 21,13%; 29,20% nhưng đến năm 2016, tỷ lệ này đã tăng nhanh lần lượt đạt 96,40% và 81,40% vượt quá tiêu chí đề ra (80%).

Công tác phòng chống dịch bệnh được 100% các tỉnh, thành phố triển khai lồng ghép với Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, Phong trào rửa tay với xà phòng... nhờ đó, tỷ lệ mắc và tử vong của hầu hết các bệnh truyền nhiễm đều giảm so với năm 2012. Đáng chú ý như một số tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Đông Nam bộ nơi có điều kiện kinh tế còn khó khăn, khí hậu nóng ẩm, vấn đề thủy triều, lũ lụt, khô hạn... ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và công tác phòng chống dịch bệnh của người dân. Tuy vậy, nhờ triển khai tốt các phong trào nên tại các tỉnh trong các khu vực này đều đạt được kết quả tốt trong phòng chống dịch bệnh.

Người dân tại các địa phương trong cả nước đã tích cực tham gia các phong trào vệ sinh phòng bệnh với nhiều hình thức như: giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường bằng những hành động cụ thể: Tham gia xây dựng nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, thu gom rác thải, bỏ rác đúng nơi quy định, tích trữ nước và sử dụng nước an toàn cho gia đình, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh nhằm phòng tránh tiêu chảy và bệnh tay chân miệng,…

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Sự gia tăng dân số và biến đổi khí hậu đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới trong lĩnh vực vệ sinh, môi trường. Các hành vi vệ sinh cá nhân có lợi cho sức khỏe chưa được thực hiện đồng bộ và thường xuyên với những hiểu biết tối thiểu, vẫn còn tỷ lệ khá cao người dân chưa có nước sạch để sử dụng, một số dịch bệnh đang có xu hướng bùng phát trở lại đã và đang tác động trực tiếp đến sức khỏe, đời sống cộng đồng dân cư. Sự phát triển nhanh chóng và đa dạng các khu, cụm công nghiệp, làng nghề đã khiến công việc xử lý ô nhiễm môi trường của các địa phương đứng trước nhiều khó khăn...

Những khó khăn, thách thức trên đòi hỏi trong thời gian tới cần triển khai có hiệu quả hơn nữa các hoạt động vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân trên toàn quốc, trước hết cần làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, lợi ích của việc bảo vệ môi trường, thực hiện các hành vi vệ sinh có lợi cho sức khỏe. Từ việc thay đổi nhận thức, dẫn tới thay đổi hành vi, tiến tới có những hành động tích cực được thực hiện thường xuyên trong mỗi con người, mỗi gia đình, cộng đồng làm cho môi trường sống của chúng ta ngày càng trong lành, sạch sẽ và an toàn hơn./.

Trung Kiên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực