Việt Nam chủ động và tích cực tham gia thực hiện Nghị định thư Montreal về bảo vệ tầng ô-dôn

Thứ sáu, 14/09/2018 16:27
(ĐCSVN) – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành cho biết, trong 24 năm qua, Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia thực hiện Nghị định thư Montreal về bảo vệ tầng ô-dôn và đạt được nhiều kết quả được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

 

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm 2018.
Ảnh: Khương Trung

Ngày 14/09, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Tọa đàm về tác động kinh tế - xã hội khi Việt Nam phê chuẩn Bản sửa đổi, bổ sung Kigali về kiểm soát và loại trừ các chất HFC (chủ yếu trong lĩnh vực: Sản xuất thiết bị lạnh, điều hòa không khí ô tô, dập cháy, dược phẩm).

Phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Việt Nam là một trong những nước sớm gia nhập Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn kể từ tháng 1/1994, đồng thời đã cam kết tuân thủ các quy định của Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal.

Là thành viên tham gia Nghị định thư Montreal, Việt Nam có nghĩa vụ kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo lộ trình Nghị định thư quy định. Các chất làm suy giảm tầng ô-dôn bị kiểm soát, loại trừ theo quy định của Nghị định thư Montreal bao gồm các chất được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, sản xuất xốp, dập cháy và kiểm dịch cho hàng xuất khẩu…

Bộ TN&MT được Chính phủ giao là cơ quan đầu mối chủ trì thực hiện Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto.

Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm 2018, Bộ TN&MT tổ chức Tọa đàm về tác động kinh tế - xã hội khi Việt Nam phê chuẩn Bản sửa đổi, bổ sung Kigali về kiểm soát và loại trừ các chất HFC. Đây là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, hội nghề nghiệp và các bên liên quan trao đổi, thảo luận và có những ý kiến đóng góp về tác động của Bản sửa đổi, bổ sung Kigali đối với quốc gia, để trình Chính phủ xem xét phê chuẩn Bản sửa đổi, bổ sung Kigali về quản lý và loại trừ dần các chất HFC.

Bộ TN&MT kêu gọi các cấp, các ngành, các địa phương và cộng đồng dân cư cùng nhau thực hiện khẩu hiệu hành động của Ban Thư ký Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn đối với Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm nay: “Giữ cho hành tinh luôn mát lành, nỗ lực bảo vệ tầng ô-dôn và khí hậu của chúng ta”.

Theo Bà Tina Birmpili, Thư ký điều hành, Ban Thư ký Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn nhấn mạnh: Việt Nam đã đóng góp vào sự thành công của Nghị định thư Montreal thông qua loại trừ tiêu thụ 800 tấn ODP - các chất làm suy giảm tầng ô-dôn tính đến nay. Cho đến nay, Quỹ Đa phương thi hành nghị định thư Montreal đã cung cấp hơn 18.000.000 USD hỗ trợ loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

Tuy nhiên, để bảo vệ những thành công trên, bà Tina Birmpili đề nghị tất cả các thành viên phải tiếp tục tuân thủ các quy định của Nghị định thư. Bà Tina Birmpili cho biết, năm nay, các kết quả nghiên cứu công bố cho thấy phát thải, chất làm suy giảm tầng ô-dôn đã gia tăng bất ngờ, mặc dù sản xuất chất này đã bị cấm trên phạm vi toàn cầu từ năm 2010. Cần phải có hành động mang tính quyết định đối với bất kỳ việc sản xuất và tiêu thụ, loại trừ các chất này.

Trong điều kiện của một nước đang phát triển và chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang thể hiện nỗ lực cao nhất của quốc gia trong hoạt động bảo vệ tầng ô-dôn và góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu nhằm thực hiện mục tiêu của Nghị định thư Montreal và Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam đã bày tỏ quan điểm ủng hộ việc loại trừ các chất HFC trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal và sẽ sớm phê chuẩn Bản sửa đổi, bổ sung Kigali.

Tại Lễ kỷ niệm, các đại biểu tham gia buổi Tọa đàm về tác động kinh tế - xã hội khi Việt Nam phê chuẩn Bản sửa đổi bổ sung Kigali về kiểm soát và các chất HFC của Nghị định thư Montreal và khuyến khích sử dụng công nghệ giảm phát thải khí nhà kính góp phần bảo vệ tầng ô-dôn và tiết kiệm năng lượng; đồng thời, thảo luận bàn tròn các hoạt động hỗ trợ phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali về kiểm soát và loại trừ các chất HFC của Nghị định thư Montreal./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực