Việt Nam cần tăng cường đầu tư cho đào tạo điều dưỡng

Thứ tư, 27/05/2020 18:15
(ĐCSVN) - Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng trên 1,5 triệu trẻ em được sinh ra, dân số khu vực thành thị chiếm khoảng 35%, nông thôn khoảng 65%. Điều đó cho thấy, nhu cầu và vai trò rất to lớn của đội ngũ điều dưỡng và nữ hộ sinh trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Ngày 27/5, tại Hà Nội, Hội Điều dưỡng Việt Nam, Công đoàn Y tế Việt Nam, Hội Nữ hộ sinh Việt Nam phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam tổ chức Hội thảo truyền thông năm quốc tế Điều dưỡng và hộ sinh nhằm hưởng ứng Chiến dịch “Điều dưỡng ngày nay- Nursing Now” do WHO và Hội đồng điều dưỡng thế giới (ICN) phát động.

Năm 2020, WHO lựa chọn là năm quốc tế về điều dưỡng và hộ sinh nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của Điều dưỡng (ĐD) và hộ sinh (HS) vào việc đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ. Đồng thời phát động “Chiến dịch Điều dưỡng ngày nay- Nursing Now Campaign” nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo quốc gia và thế giới về thiên chức và vai trò thiết yếu của ĐD-HS trong việc duy trì một thế giới  khỏe mạnh”.

Hội thảo truyền thông năm quốc tế Điều dưỡng và Hộ sinh. (Ảnh: TL)  

Điều dưỡng, hộ sinh chiếm gần 50% nguồn nhân lực y tế

TS Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, WHO đang kêu gọi các nước thành viên tăng cường đầu tư vào đào tạo cho điều dưỡng và hộ sinh; tăng cường đầu tư để tạo ra nhiều cơ hội việc làm tốt cho điều dưỡng và hộ sinh; tăng cường đầu tư để đẩy mạnh vai trò lãnh đạo cho điều dưỡng và hộ sinh.

Với gần 28 triệu điều dưỡng viên toàn cầu nói chung và gần 140.000 ĐD-HS của Việt Nam, ĐD-HS chiếm gần 50% nguồn nhân lực y tế, cung cấp dịch vụ nhiều nhất, thường xuyên nhất và và liên tục nhất. Vì vậy, sẽ không có một Chương trình y tế quốc gia hiệu quả nếu không phát huy tối đa tiềm năng của ĐD-HS.

Trong năm 2020, năm quốc tế về ĐD-HS, WHO khuyến cáo các nhà lãnh đạo đầu tư cho 3 lĩnh vực của ĐD-HS là: Đào tạo, sử dụng và tăng cường sự tham gia của họ vào việc hoạch định chính sách y tế.

Tại Việt Nam, mạng lưới điều dưỡng và nữ hộ sinh đã được thiết lập rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Mỗi năm có khoảng trên 1,5 triệu trẻ em được sinh ra, dân số khu vực thành thị chiếm khoảng 35%, nông thôn khoảng 65%. Điều đó cho thấy, nhu cầu và vai trò rất to lớn của đội ngũ điều dưỡng và nữ hộ sinh trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc cho bà mẹ và trẻ em ngày càng cao.

Theo ThS Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, đại dịch COVID-19 giúp chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn và thuyết phục hơn về sự đóng góp của ĐD-HS, với vai trò là những chiến sĩ tuyến đầu. Họ đã vượt lên những nguy cơ của dịch bệnh, phối hợp với các thầy thuốc, thực hiện hàng loạt các hoạt động y tế như: sàng lọc bệnh nhân, tổ chức cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, theo dõi, chăm sóc và là chỗ dựa về tinh thần cho bệnh nhân mắc COVID-19. Sự thành công trong phòng chống COVID-19 tại Việt Nam là thành tựu chung của toàn bộ hệ thống chính trị, của ngành y tế Việt Nam, trong đó không thể không nói tới sự đóng góp to lớn và thầm lặng của ĐD và HS.

PGS.TS Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, khảo sát mới nhất của Công đoàn Y tế Việt Nam đối với 70 công đoàn cơ sở trực thuộc trong thời gian chống dịch COVID-19, số giờ làm việc gia tăng đáng kể (trung bình 3,65 giờ/ngày) đối với các đơn vị trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt tại các cơ sở y tế thực hiện khám, chữa bệnh.

Ngay trong giai đoạn chưa xảy ra dịch COVID-19, môi trường làm việc của các cán bộ y tế nói chung và của điều dưỡng, nữ hộ sinh nói riêng vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy hại đến sức khỏe. Kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách (năm 2019) cũng cho thấy 87,4 % cán bộ y tế cho rằng công việc luôn đòi hỏi phải có tinh thần trách nhiệm cao, áp lực công việc nặng nề, căng thẳng hơn rất nhiều so với các ngành khác; môi trường làm việc độc hại, nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp và phơi nhiễm bệnh tật; thời điểm làm việc thường xuyên trái với quy luật sinh học (trực đêm) và phải làm việc cả trong những dịp nghỉ lễ, nghỉ tết, mưa bão, giá rét...

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, công bố báo cáo về Điều dưỡng thế giới 2020 cho thấy rằng Việt Nam cần phải tạo thêm nhiều việc phù hợp cho điều dưỡng. Tỷ lệ trung bình điều dưỡng trên một vạn dân của Việt Nam là 11,4. Tỷ lệ này chưa bằng một nửa so với tỷ lệ trung bình toàn cầu.

TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: TL )

Báo cáo cũng cho thấy rằng Việt Nam cần tăng cường đầu cư cho đào tạo điều dưỡng bởi vì có nhiều khả năng đến năm 2030 nguồn nhân lực điều dưỡng tại Việt Nam sẽ thiếu khoảng 40,000 đến 50,000 người. Chất lượng của điều dưỡng, bao gồm cả đào tạo và phân bổ điều dưỡng trong cả nước cũng sẽ gặp thách thức.

Báo cáo cũng cho rằng Việt Nam cần phải tăng cường đầu tư để trao quyền lãnh đạo cho điều dưỡng tại Việt Nam vì đất nước hiện đang tiến tới tình trạng già hóa dân số nhanh.

Tăng cường đầu tư vào đào tạo, việc làm sẽ làm tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế, xã hội an toàn hơn chống lại các mỗi đe dọa sức khỏe mới và dân số khỏe mạnh hơn.

Sử dụng đúng tên “Điều dưỡng viên” thay cho tên gọi “Y tá”

Từ năm 1990 đến nay, Bộ Y tế đã quan tâm xây dựng Hệ thống điều dưỡng trưởng (ĐDT) từ Bộ Y tế tới Sở Y tế  và các bệnh viện. Nâng cấp đào tạo ĐD-HS ở các trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ/chuyên khoa I, Tiến sĩ điều dưỡng đã mở ra cơ hội mới cho nghề điều dưỡng phát triển. Song hiện nay còn thiếu chính sách đồng bộ, dẫn đến người bệnh chưa được thừa hưởng chất lượng chăm sóc tốt nhất của điều dưỡng-hộ sinh.

 ThS Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: TL)

Tại Hội thảo, Hội Điều dưỡng Việt Nam mong muốn thông qua các cơ quan truyền thông, báo chí, truyền hình để thông tin rộng rãi và định hướng cộng đồng sử dụng đúng tên ngành đào tạo là “Điều dưỡng” và tên nghề là “Điều dưỡng viên” thay cho tên gọi “Y tá” đã được sửa đổi theo quy định của pháp luật từ năm 2005.

Việc sử dụng tên “kép”, lúc Điều dưỡng lúc Y tá trên các mặt báo giấy, báo điện tử, trên các kênh truyền hình, trong xưng hô giao tiếp hàng ngày không chính danh dẫn đến người dân, người bệnh và ngay chính sinh viên điều dưỡng cũng mơ hồ về sự khác nhau giữa Y tá và Điều dưỡng viên.

Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập ASEAN và quốc tế, trước tình trạng khủng hoảng nhân lực Nhân viên chăm sóc và Điều dưỡng viên ở nhiều nước trên thế giới, một số Công ty đã giới thiệu CARE GIVER/nhân viên chăm sóc là Điều dưỡng viên. Đây là những nhầm lẫn tai hại cho những người tham gia chương trình xuất khẩu lao động.

Việc sử dụng chính danh tên gọi Điều dưỡng viên vừa đúng với quy định pháp luật, vừa phản ánh trình độ học vấn, vừa thể hiện phạm vi chuyên môn và vừa đáp ứng sự mong mỏi của hàng ngàn điều dưỡng viên cả nước. Hội Điều dưỡng Việt Nam rất mong sự vào cuộc của cơ quan truyền thông để định hướng người dân về ngành Điều dưỡng và nghề Điều dưỡng Việt Nam trong xã hội, tạo thêm niềm tin và niềm tự hào nghề nghiệp cho Điều dưỡng viên cả nước./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực