Việt Nam hướng tới dừng sử dụng chất amiăng vào năm 2020

Thứ ba, 27/06/2017 18:55
(ĐCSVN) – Ngày 27/6, Uỷ ban Dân tộc đã phối hợp với Trung tâm tư vấn chuyển giao khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường vùng dân tộc và miền núi và Trung tâm Thông tin tổ chức phi chính phủ (NGO-IC) tổ chức Hội thảo "Chia sẻ thông tin một số kết quả của Hội nghị Công ước Rotterdam lần thứ 8 và lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng ở Việt Nam vào năm 2020".


Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: KS)

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe diễn giả trình bày về những vấn đề liên quan đến việc sử dụng amiăng trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo ông Phillip Hazelton- chuyên gia Apheda Việt Nam, mức độ tiêu thụ amiăng ở các quốc gia liên quan trực tiếp đến những ca tử vong do ung thư trung biểu mô gây ra. Các bệnh liên quan đến amiăng gồm bệnh bụi phổi phát sinh do hít phải hạt amiăng, mảng màng phổi, dày màng phổi, tràn dịch màng phổi, ung thư trung biểu mô. Đặc biệt, hiện nay cứ 6 ca ung thư phổi có tiếp xúc với amiăng thì có 1 ca ung thư biểu mô. Ngoài ra, các loại ung thư khác như ung thư thanh quản và ung thư buồng trứng cũng liên quan đến việc tiếp xúc với amiăng.

Hiện nay, trên thế giới đã có 124 quốc gia cấm hoặc không báo cáo bất cứ lượng tiêu thụ nào về amiăng. Trong năm 2015, 25 nước tiêu thụ trên 1000 tấn; và chỉ có 7 quốc gia vẫn tiêu thụ trên 50.000 tấn/năm (gồm Việt Nam). Theo các khuyến nghị của quốc tế, việc cấm sử dụng amiăng hoàn toàn không có tác động tiêu cực đối với GDP, thậm chí các quốc gia sẽ phải chịu chi phí lớn cho y tế và xã hội nếu tiếp tục sử dụng amiăng. Theo Tổ chức Y tế thế giới, chi phí chữa trị các bệnh ung thư do amiăng gây ra đã vượt quá giá trị kinh tế mà nó mang lại. Cụ thể, năm 2008 chi phí điều trị lên tới 2,4 tỷ USD, trong khi giá trị kinh tế chỉ khoảng 802 triệu USD.

Còn theo báo cáo của Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, trong 10 năm qua, Việt Nam luôn đứng tốp 10 nước tiêu thụ amiăng nhiều nhất thế giới. Trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 50-60 nghìn tấn amiăng (chủ yếu từ Nga, Mỹ, Trung Quốc). Đối với các bệnh liên quan đến amiăng, phơi nhiễm với amiăng xảy ra trong quá trình hít thở từ không khí bị ô nhiễm, không khí có chứa các nguyên liệu có sợi amiăng. Mức độ phơi nhiễm cao nhất xảy ra trong các ngành nghề đóng gói công cụ chứa amiăng, trộn lẫn các nguyên liệu thô khác và cắt khô các sản phẩm có chứa amiăng bằng các công cụ mài mòn. Theo cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) thuộc WHO, hiện đã có đủ bằng chứng trên người và thực nghiệm để xếp tất cả các loại amiăng vào nhóm 1, là các chất gây ung thư ở người.

Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: KS)

Tại phần thảo luận, các đại biểu đã đưa ra nhiều kiến nghị nhằm hướng tới dừng sử dụng amiăng tại Việt Nam. Trong đó, các đại biểu thống nhất phương án xây dựng một kế hoạch hành động quốc gia nhằm loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng giai đoạn đến năm 2020 và định hướng 2030. Chương trình này nhằm mục tiêu giảm tỷ suất mắc mới các bệnh do amiăng gây ra thông qua việc dừng sử dụng amiăng vào năm 2020; góp phần tăng cường sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Về các giải pháp cụ thể, nhiều ý kiến cho rằng cần nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, người sử dụng lao động, người lao động và cộng đồng về tác hại của amiăng và phòng chống các bệnh liên quan đến amiăng. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cần rà soát, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý và dừng sử dụng amiăng. Ngoài ra, các nhà khoa học cần tăng cường nghiên cứu về mức độ ảnh hưởng lâu dài của amiăng trắng đối với sức khỏe và môi trường; các công nghệ sản xuất vật liệu thay thế phù hợp; công nghệ và quy trình xử lý rác thải có chứa amiăng…/.

Kim Sơn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực