Việt Nam muốn đẩy mạnh hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực sản xuất thuốc và dược phẩm

Thứ năm, 06/08/2020 19:59
(ĐCSVN) - Ấn Độ hiện đứng thứ 3 toàn cầu về sản lượng sản phẩm dược phẩm và thứ 14 trên toàn thế giới về giá trị. Việt Nam mong muốn TP Hồ Chí Minh sẽ là trung tâm sản xuất thuốc và dược phẩm cho các doanh nghiệp Ấn Độ; đồng thời tìm kiếm cơ hội phối hợp với Ấn Độ sản xuất Vaccine phòng COVID-19.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu phát biểu tại buổi giao thương trực tuyến (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ) 

Đó là nội dung đã được Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh tại buổi giao thương trực tuyến với chủ đề “Việt Nam - Ấn Độ: Hợp tác cùng phát triển”do Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ  phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 06/8/2020 tại các đầu cầu Hà Nội - New Delhi - TP Hồ Chí Minh.

Buổi giao thương là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu, nắm bắt về chính sách thương mại, xu hướng hợp tác, kinh doanh, các lĩnh vực, ngành hàng có tiềm năng phát triển trong quan hệ thương mại giữa Viêt Nam và Ấn Độ; đồng thời tìm kiếm đối tác và cơ hội kinh doanh tại Ấn Độ.

Tham dự buổi giao thương trực tuyến có: Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma, Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương cùng đại diện Bộ Công Thương Việt Nam, một số tập đoàn, doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam như tập đoàn HCL, Tâm Việt, Ishan International Pvt, Invesify Co., Ltd, SSG International và Hội Doanh nhân Sài Gòn.

Phát biểu tại buổi giao thương, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết,  Ấn Độ hiện đứng thứ 3 toàn cầu về sản lượng sản phẩm dược phẩm và thứ 14 trên toàn thế giới về giá trị. Các công ty dược phẩm hàng đầu của Ấn Độ đã nhận được các chứng nhận quốc tế từ Mỹ, EU, Australia...Việt Nam mong muốn tìm kiếm cơ hội phối hợp với Ấn Độ sản xuất vắc-xin phòng COVID-19.

Nhân dịp này, Đại sứ Phạm Sanh Châu kêu gọi doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dệt may để tận dụng cơ hội do Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020.

Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, Ấn Độ với ngành công nghiệp xơ sợi, dệt vải phát triển, có thể sản xuất ra hầu hết các loại vải, nguyên phụ liệu ngành may mặc và hiện đang nằm trong nhóm ba nước cung cấp hàng dệt may hàng đầu thế giới, trong khi Việt Nam muốn đẩy mạnh hơn nữa sản xuất và xuất khẩu, Ấn Độ có thể là nguồn cung vải và sợi chất lượng cho Việt Nam, giúp thu hẹp khoảng cách, thậm chí là nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Theo hiệp định EVFTA, ngành dệt may của Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ hai công đoạn, tức là để được hưởng thuế quan ưu đãi theo thì hàng dệt may của Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ từ Việt Nam.

Trong thời gian qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ. Để khắc phục tình trạng trên, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã tích cực triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến; trong đó có việc hỗ trợ giải quyết 58 container hồ tiêu mắc kẹt gần khu vực biên giới Ấn Độ và Nepal. Hiện những vướng mắc lớn về thủ tục chính sách đã được tháo gỡ, hiện các doanh nghiệp đang tiếp tục phối hợp với các bên liên quan để sớm đưa các lô hàng này về nước.

Buổi giao thương là hoạt động trong chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị kinh doanh và Hội chợ triển lãm Ấn Độ - ASEAN – Châu Đại Dương diễn ra từ ngày 4 đến 6/8/2020.

Dịp này, Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức các gian hàng trực tuyến để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam quảng bá hàng hóa, dịch vụ trong 6 nhóm lĩnh vực chủ yếu gồm: công nghệ sinh học, dược phẩm và y tế; nông sản và các sản phẩm liên quan; năng lượng, năng lượng tái tạo, điện; chuỗi cung ứng và logistics/ hậu cần; thiết bị công nghệ thông tin và viễn thông; chuỗi giá trị sản xuất…/.

Khánh Lan (Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực