Xây dựng Đà Nẵng thành thành phố thân thiện với trẻ em

Thứ tư, 16/01/2019 21:14
(ĐCSVN)- Đà Nẵng là thành phố có nhiều điều kiện để trở thành Thành phố thân thiện với trẻ em. Trong hai năm 2016- 2017, trong bảng xếp hạng, Đà Nẵng đứng thứ 3 và 4/63 địa phương về thực hiện quyền trẻ em.


Đà Nẵng triển khai nhiều hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ em

Ngày 16/1, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam và UBND TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức Hội thảo giới thiệu và tham vấn về Sáng kiến thành phố thân thiện với trẻ em.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã giới thiệu, cung cấp các thông tin sơ lược về Sáng kiến Thành phố thân thiện với trẻ em (CFCI) đến các sở, ban, ngành và hội đoàn thể thành phố.

Trên cơ sở, các đại biểu tham dự thảo luận, xác định về vai trò của các đơn vị liên quan, lộ trình và các bước thực hiện phù hợp, làm cơ sở ban đầu để xây dựng kế hoạch thực hiện Sáng kiến CFCI tại Đà Nẵng. Đồng thời, kêu gọi sự hỗ trợ, hợp tác từ UNICEF, cũng như các đối tác khác trong việc thực hiện Kế hoạch.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, hiện thành phố có 3000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Trong những năm qua, địa phương đã triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đặc biệt là các chương trình bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại, bạo lực, phòng chống suy dinh dưỡng, tai nạn thương tích, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.

Canh đó, trong những năm qua thành phố Đà Nẵng cũng đã triển khai các mô hình, dịch vụ bảo vệ, hỗ trợ trẻ em như: Phường, xã làm tốt công tác xã hội với trẻ em; Huy động cộng đồng phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật…

“Tuy nhiên, thành phố vẫn đang đứng trước khó khăn, thách thức của quá trình đô thị hóa, các dịch vụ trợ giúp xã hội dành cho trẻ em còn hạn chế; số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt có xu hướng tăng; vẫn còn những tình trạng bạo lực học đường, trẻ bị xao nhãng trong chăm sóc, nuôi dạy; vấn đề bảo đảm an toàn cho trẻ trong thế giới công nghệ số, môi trường mạng cần được quan tâm giải quyết”- ông Chinh cho biết thêm.

Trao đổi tại Hội thảo, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, Đà Nẵng là thành phố có nhiều điều kiện để trở thành Thành phố thân thiện với trẻ em. Trong hai năm 2016- 2017, trong bảng xếp hạng, Đà Nẵng đứng thứ 3 và 4/63 địa phương về thực hiện quyền trẻ em. Các hạng mục như chăm sóc sức khỏe, bảo vệ, phát triển, sự tham gia của trẻ… được thành phố thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, ông Nam cũng thẳng thắn, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, môi trường đô thị cũng khiến Đà Nẵng đứng trước nhiều nguy cơ như trẻ dễ bị bóc lột, buôn bán, xâm hại… dễ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt do khó tiếp cận các dịch vụ. Chưa kể, vấn đề bảo đảm an toàn cho trẻ trong thế giới công nghệ số, môi trường mạng cũng là những điều đáng lo ngại.

Để phát huy vai trò của Đà Nẵng đối với vấn đề mà Hội thảo quan tâm, ông Nam đề xuất: Thành phố cần có chính sách mang tính tổng thể toàn diện về trẻ em, phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em. Trong đó, ngoài việc tăng cường công tác truyền thông pháp luật về chính sách trẻ em, cần có trách nhiệm ưu tiên của chính quyền đô thị đối với trẻ em.

Chia sẻ với Hội thảo, bà Lesley Miller, Quyền Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam đánh giá cao cam kết của Đà Nẵng trong thực hiền Quyền trẻ em và những can thiệp cụ thể đối với trẻ khuyết tật, trẻ em con các công nhân lao động trong các khu công nghiệp, trang bị kỹ năng cho thanh niên ở thế kỷ 21 để giải quyết các thách thức của cộng đồng. Đồng thời, bà Lesley Miller cũng đề nghị Đà Nẵng cần cân nhắc lồng ghép sáng kiến này trong tiến trình xây dựng thành phố bền vững và theo đó, với những hoạt động cụ thể đã và đang triển khai, Đà Nẵng đủ điều kiện để xây dựng thành phố thân thiện với trẻ em.

Theo thông tin từ Hội thảo, sáng kiến CFCI được triển khai tại 31 quốc gia trên thế giới từ năm 1996 nhằm giải quyết thách thức về việc thực hiện các quyền của trẻ em trong một thế giới không ngừng đô thị hóa và phi tập trung. Sáng kiến này thúc đẩy các bên liên quan tại địa phương và UNICEF xây dựng các thành phố và cộng đồng dân cư an toàn, hòa nhập và đáp ứng các nhu cầu của trẻ.

Sáng kiến CFCI đưa ra khung quản trị giúp xây dựng các thành phố và cộng đồng dân cư thân thiện với trẻ em, dựa trên năm mục tiêu: Quyền được coi trọng, tôn trọng và đối xử công bằng; quyền được lắng nghe; quyền được hưởng các dịch vụ thiết yếu; quyền được an toàn; quyền được hưởng những khoảng thời gian cùng gia đình, được vui chơi, giải trí.

Tin, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực