Xây dựng mô hình phát triển kinh tế ứng phó với xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thứ tư, 15/08/2018 22:24
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu trở thành thách thức lớn của toàn nhân loại, mà Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh nhất khi diện tích bị xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng lan rộng, thì việc tìm ra một mô hình kinh tế phù hợp là vấn đề cần thiết.
Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Kiên Giang)

Vấn đề biến đổi khí hậu, mà trước hết là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng, là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Ở Việt Nam, biến đổi khí hậu nói chung và và xâm nhập mặn nói riêng đã, đang và sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất cũng như đời sống của người dân đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhận thức được vấn đề này, nhằm phòng chống và giảm thiểu thiệt hại từ hạn hán và xâm nhập mặn, PGS.TS Vũ Thị Mai, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân làm chủ nhiệm đã thực hiện Đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển kinh tế ứng phó với xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; Thí điểm cho một huyện điển hình” thuộc Chương trình KH&CN ứng phó với BĐKH, quản lý TN&MT giai đoạn 2016 – 2020.

Bắt đầu thực hiện từ năm 2016, đến nay Đề tài đã đi tổng quan tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước về các mô hình phát triển kinh tế thích ứng với xâm nhập mặn ở các vùng đồng bằng ven biển. Từ đó đánh giá, rút ra những điểm kế thừa, điểm mới trong đề tài này. Đề tài cũng đã nghiên cứu cơ sở lý luận về mô hình phát triển kinh tế (làm rõ cấu trúc và nội dung của mô hình). Đồng thời xác lập bộ tiêu chí đánh giá mô hình phát triển kinh tế thích ứng với xâm nhập mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu (làm rõ các nhóm tiêu chí bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường, thể chế).

Với những nỗ lực trong suốt thời gian qua, hiện Đề tài đã hoàn thành 17 báo cáo thuộc 6 nội dung, 846 phiếu nghiên cứu sinh kế bền vững thích ứng với xâm nhập mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Đáng chú ý, Đề tài đã xây dựng được cơ sở khoa học xây dựng mô hình kinh tế ứng phó với biến đổi khí hậu; Xây dựng một số mô hình phát triển kinh tế ứng phó với xâm nhập mặn cho vùng  Đồng bằng sông Cửu Long; Xây dựng và đánh giá hiệu quả mô hình trình diễn phát triển kinh tế thích ứng với xâm nhập mặn cho một huyện điển hình vùng đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở tận dụng cơ hội, chuyển hóa các thách thức từ xâm nhập mặn để phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời xác định điều kiện, giải pháp, quy trình thực hiện và chuyển giao mô hình kinh tế xanh cho các huyện bị xâm nhập mặn tương tự trong vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Được biết, thời gian tới sẽ tiến hành lựa chọn mô hình trình diễn và đánh giá mô hình tại Huyện Ba Tri, Tỉnh Bến Tre.

Có thể khẳng định, khi xây dựng mô hình phát triển kinh tế ứng phó với xâm nhập mặn, các địa phương có thể đạt được những mục tiêu lâu dài về duy trì đa dạng sinh học, đảm bảo phát triển bền vững hệ sinh thái vùng và có sức lan tỏa, đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế - xã hội – môi trường./.

MT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực