Xử phạt hơn 21 tỷ đồng vi phạm dược phẩm, thực phẩm

Thứ tư, 18/01/2017 15:41
(ĐCSVN) - Ngày 17/1, báo cáo tổng kết công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Bộ Y tế năm 2016, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Y tế cho biết, hoạt động kinh doanh nguyên liệu salbutamol hầu hết đã chấp hành nghiêm các quy định trong việc mua, bán cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc và nguyên liệu làm thuốc... Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số cơ sở chưa thực hiện đầy đủ.

(Ảnh minh họa. Nguồn: hanoimoi.com.vn)

Cụ thể, Công ty TNHH hóa dược quốc tế Phương Đông, số lượng nhập khẩu salbutamol thực tế là 2,2 tấn nhiều hơn 200kg so với số lượng nguyên liệu được duyệt, do có sự nhầm lẫn khi làm thủ tục nhập khẩu tại hải quan. Ngoài ra còn 4 cơ sở bán nguyên liệu salbutamol cho các cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định, trong đó có 3 cơ sở là đơn vị chỉ kinh doanh, nhập khẩu thuốc, không sản xuất thuốc.

Liên quan đến lĩnh vực dược liệu, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công an và một số đơn vị kiểm tra 1 xe hàng, phát hiện 374 loại dược liệu với tổng số 45,9 tấn hàng không rõ nguyền gốc xuất xứ.

Trong lĩnh vực dược phẩm, Bộ Y tế đã thanh tra, kiểm tra 137 cơ sở tổng số vụ phát hiện vi phạm là 111 vụ, tăng 16% so với năm 2015; tổng số tiền truy thu là 9,21 tỷ đồng, tăng 57% so với năm 2015.

Trong lĩnh vực thực phẩm, tổng số vụ phát hiện vi phạm là 133 vụ; tổng số tiền truy thu là 12,54 tỷ đồng, tăng 172% so với năm 2015.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Y tế, thực hiện công tác phòng, ngừa đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công an; phối hợp với cơ quan quản lý thị trường, cơ quan công an, cơ quan hải quan, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia,... trong việc xác định các sản phẩm thuốc, mỹ phẩm được phép lưu hành tại Việt Nam, xác minh thông tin sản phẩm, trả lời về thuốc giả, thuốc hết hạn sử dụng;  xác minh, làm rõ những mặt hàng trang thiết bị y tế phải xin giấy phép của Bộ Y tế và những mặt hàng trang thiết bị y tế đã qua sử dụng bị cấm nhập khẩu, hành vi giả mạo giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế của một số doanh nghiệp; cung cấp thông tin liên quan đến việc quản lý, cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol cho Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; phối hợp với Tổ công tác đặc biệt 113 của Bộ Công an.

Trong quá trình phối hợp kiểm tra đã kịp thời phát hiệu nhiều vụ vi phạm, hàng giả với số lượng lớn như: Công ty TNHH Thương mại SLIM HMN, Công ty Cổ phần liên doanh Dược G &P - France (hiện đã chuyển sang cơ quan công an đang trong quá trình điều tra), Công ty Cổ phần Tân Tiến Phát hiện đã ra quyết định xử lý vi phạm, Công ty cổ phần Đại Y (hiện đang trong quá trình xử lý), ... , nhiều công ty đã phạt hành chính với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Theo ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian gần đây, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng nói chung và trong lĩnh vực y tế nói riêng diễn biến phức tạp; đặc biệt đối với nhóm mặt hàng mỹ phẩm, hương liệu thực phẩm, thực phẩm chức năng có xu hướng gia tăng hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng làm tổn hại đến môi trường sản xuất kinh doanh và gây ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Vì vậy, ông Hùng mong muốn trong thời gian tới, các cơ quan báo chí tích cực đồng hành cùng Ban Chỉ đạo 389 các cấp, cũng như Ban Chỉ đạo 389 của Bộ Y tế tăng cường tuyên truyền để người dân tin tưởng và ủng hộ các lực lượng chức năng trên địa bàn, tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại đảm cho người dân đón Tết Nguyên đán an toàn./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực