Yên Bái: Tổ chức Giao lưu tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số cấp Tiểu học

Thứ năm, 20/04/2017 21:38

(ĐCSVN) - Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái vừa triển khai kế hoạch Tổ chức Giao lưu tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số cấp Tiểu học tỉnh Yên Bái Lần thứ hai, năm học 2016 – 2017 vào ngày 20 và 21/4/2017, tại trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học (PTDTBT TH) Nậm Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Căng Chải.

Học sinh trường PTDTBT TH Nậm Khắt trong giờ ra chơi. Ảnh: NK.

 

Với mục đích tạo sân chơi giáo dục để học sinh người dân tộc thiểu số cấp Tiểu học có cơ hội được giao lưu học tập, trao đổi kinh nghiệm về cách thức, phương pháp học tập, đặc biệt là kĩ năng sử dụng tiếng Việt; khuyến khích, động viên  ý thức tự học tập, tự rèn luyện của học sinh nhằm nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt, bảo đảm cho các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học. Theo đó, mỗi phòng GD&ĐT (trừ thành phố Yên Bái) có 01 đoàn tham gia giao lưu gồm 10 học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số đang học lớp 4 và lớp 5 tại các trường tiểu học, TH&THCS có ít nhất 45% học sinh là người dân tộc thiểu số; Học sinh tham gia giao lưu phải là những học sinh được xếp loại học kỳ I đối với các môn học đạt từ Hoàn thành trở lên, các năng lực và phẩm chất đều xếp loại Đạt trở lên.

Nội dung giao lưu gồm có: Bài thi viết có tích hợp nội dung thi viết chữ đẹp (Làm bài tập tiếng Việt, viết văn); Bài thi hùng biện; Thi năng khiếu (Ngâm thơ, kể chuyện, hát, kịch, tấu, biểu diễn nhạc cụ...); Giới thiệu các đội.

Về hình thức tổ chức gồm có:

Phần thi cá nhân: Tổ chức cho HS làm bài thi viết môn Tiếng Việt (gồm các bài tập tiếng Việt và tập làm văn, có tích hợp nội dung thi viết chữ đẹp). Thời gian làm bài: 60 phút.

Phần thi tập thể: Tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa, với các nội dung sau sau:

- Màn chào hỏi: Mỗi đoàn xây dựng 1 chương trình dưới dạng tiểu phẩm, thơ, ca, hò, vè... với thời gian 06 phút, trong đó có nội dung giới thiệu về đơn vị mình và các nội dung khác. Yêu cầu: tất cả học sinh trong đoàn đều được tham gia và được thể hiện tài năng cũng như khả năng sử dụng tiếng Việt của mình.

- Thi hùng biện: Mỗi đoàn có 01 học sinh tham gia nội dung hùng biện và trả lời câu hỏi ứng xử (thời gian hùng biện 3 phút). Nội dung hùng biện nói về nhà trường, gia đình, quê hương đất nước, về Đảng, Bác Hồ.

- Thi năng khiếu: Mỗi đoàn có 01 tiết mục, lựa chọn 01 trong các thể loại: ngâm thơ, kể chuyện, hát, múa, kịch, tấu, biểu diễn nhạc cụ,... (thời gian từ 3 đến 4 phút). Nội dung ca ngợi về Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước, nhà trường, gia đình,...

Vở kịch ngắn “Người mẹ một mắt” nói về tấm lòng cao cả của người mẹ đã nhường một mắt của mình để cứu lấy con mắt cho con bị tai nạn giao thông làm hỏng một bên mắt của học sinh dân tộc thiểu số huyện Mù Căng Chải. Thanh Tuyền.

 

Cũng trong dịp này, tại trường PTDTBT TH Nậm Khắt, phòng GD&ĐT huyện Mù Căng Chải tổ chức Ngày hội đọc sách gắn với sự kiện tổ chức Giao lưu tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, tỉnh Yên Bái lần thứ hai, năm học 2016 – 2017 với sự tham gia của 10 học sinh trường trong huyện là: Trường TH&THCS Thị Trấn, trường PTDTBT TH&THCS Chế Cu Nha, trường PTDTBT TH Nậm Khắt, trường PTDTBT-THCS Nậm Khắt, trường MN Sơn Ca, trường PTDTBT TH Cao Phạ, trường PTDTBT TH&THCS Hồ Bốn, trường TH&THCS La Pán Tẩn, trường PTDTBT TH&THCS Dế Xu Phình, trường PTDTBT TH Púng Luông.

Đây là hoạt động nhằm tôn vinh giá trị của sách trong đời sống xã hội; xây dựng và phát triển văn hóa  đọc trong cộng đồng, hướng tới một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống tinh thần của cộng đồng.

Việc tổ chức Ngày hội đọc sách cho học sinh gắn với sự kiện tổ chức Giao lưu tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, tỉnh Yên Bái lần thứ hai, năm học 2016 – 2017, tại trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Khắt là hoạt động bổ ích và sáng tạo, làm cho môi trường giao lưu tiếng Việt thực sự trở thành ngày hội. Qua đó, học sinh được giao lưu, học tập và tham gia trải nghiệm ở môi trường tiếng Việt trong Ngày hội đọc sách một cách thật tự nhiên, sinh động và hiệu quả; góp phần vào thành công chương trình Giao lưu tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, tỉnh Yên Bái lần thứ hai, năm học 2016 – 2017 cũng như thực hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến 2025” theo Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 02/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ./.

 

Phạm Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực