Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế

Thứ tư, 23/09/2020 17:14
(ĐCSVN) - Trí tuệ nhân tạo và các công nghệ hiện đại có thể giúp phát hiện sớm những bệnh thời đại như: ung thư, tim mạch giúp giảm chi phí và kéo dài sự sống.
Các đại biểu trong phiên thảo luận. Ảnh: Giang Huy. 

Ngày 23/9, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm trực tuyến “Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế” với sự tham dự của các nhà quản lý, chuyên gia y tế, công nghệ.

Tọa đàm là dịp để các chuyên gia chia sẻ thông tin về khả năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), các hướng nghiên cứu đưa công nghệ này vào chẩn đoán, điều trị bệnh hiệu quả hơn.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng xu thế phát triển về trí tuệ nhân tạo trên toàn thế giới cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, công nghệ lưu trữ, dữ liệu lớn đã tạo ra nhiều điều "kỳ diệu" trong tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống. Ở lĩnh vực y tế, khi toàn bộ tri thức của nhân loại, của thầy thuốc và y bác sỹ tích lũy nhiều năm, nay cũng được tổng hợp lại thông qua dữ liệu lớn. Các dữ liệu này cũng được phân tích dựa trên các thuật toán, công nghệ máy tính, tạo ra công cụ hỗ trợ các bác sỹ, nhân viên y tế trong việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh tốt hơn.

Theo Thứ trưởng, tọa đàm được tổ chức với mong muốn kết nối các nghiên cứu, thu hút sự quan tâm của những người làm công nghệ thông tin với y tế và ngược lại các bác sỹ, người làm trong ngành y quan tâm đến ứng dụng công nghệ số, dữ liệu lớn vào việc khám, chữa bệnh.

“Cuối năm 2020 chúng ta vẫn còn ở trong COVID-19, thì việc ứng dụng AI càng quan trọng trong việc khôi phục lại cuộc sống, vượt qua đại dịch", Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.

TS.Trần Thị Mai Oanh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Y tế cho biết, trong những năm gần đây, ngành y tế rất quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa nhiều hoạt động.

Gần đây, Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Y tế cũng đưa AI vào quá trình đào tạo năng lực cho bác sĩ chuẩn đoán hình ở 8 bệnh viện khắp cả nước.

Theo TS.Trần Thị Mai Oanh, trí tuệ nhân tạo có vùng áp dụng rất rộng, nhất là trong hỗ trợ, chăm sóc toàn diện sức khoẻ người dân. Trong đó gồm: theo dõi sức khoẻ cá nhân nhằm giảm thiểu nguy cơ bệnh; phát hiện sớm những bệnh thời đại như ung thư, tim mạch giúp giảm chi phí và kéo dài sự sống; giúp bệnh nhân tuân thủ việc uống thuốc; theo dõi diễn biến bệnh...

H.Lan (tổng hợp)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực